Thiên Tinh Giới!!! Xuyên Đến Rồi

Chương 125: TỨ QUỐC PHÔ DIỄN BẤT PHÂN THẮNG BẠI



Kim Hạn chơi cũng thật lớn, thi đấu đại hội Tứ Quốc mỗi năm chỉ có một lần mà hắn lại làm khó bản thân như vậy. Nhưng mà Cố Ngữ Yên biết rõ, còn người Thái Tử Bắc Nguyên, không phải là đang làm khó bản thân, mà là tự tin vào bản thân. Hắn tin tưởng vào khả năng tấu đàn của mình.

Kim Hạn nhẹ ôm đàn, ngồi bệt xuống đất mà bắt đầu tấu nhạc. Ôm cầm mà tấu khúc, đây chính là một loại trình độ biểu diễn, điêu luyện đến mức thượng thừa. Người và đàn hòa làm một, tiếng đàn trong vắt ngân vang, thanh âm không nhanh không chậm mà từng chút len lỏi vào lòng người. Dịu dàng như một dòng suối, êm đều chảy vào lòng. Kim Hạn tấu một khúc êm dịu, không có tiết tấu dồn dập, cũng không có âm điệu thê lương, tất cả chỉ là sự nhẹ nhàng và sâu lắng.

Có lẽ đây cũng chính là những xúc cảm chân thật mà vị Thái Tử Bắc Nguyên này hướng đến, ngày ngày sống trong sự giả dối, phải diễn kịch với tất cả mọi người xung quanh. Kim Hạn chỉ có thể giữ lại một khoảng lắng đọng trong tâm hồn, nhắc nhớ hắn bản ngã của chính mình, tiếp tục tiến về phía trước mà không ngã quỵ. Buồn như không buồn, u nhưng không sầu.

Khúc nhạc kết thúc, không có lấy một nốt lỡ nhịp.

“Người cầm hợp nhất, hảo.”

Thanh âm của một vị giám khảo trong Tứ Thánh vang lên, với đầy sự tán thưởng. Lão nhân gia vuốt chòm râu bạc bạc trắng hướng về phía Kim Hạn cười hiền từ. Người đã sống quá bao nhiêu năm tháng, nhìn thấy bao cảnh thăng trầm như ông sao có thể không nhìn ra tâm tư niên thiếu của Thái Tử Bắc Nguyên. Hay cho một kẻ sống trong giả dối mà không tự lừa gạt chính bản thân. Cố Ngữ Yên nhẹ thở dài, cuộc sống của người hoàng thất đúng là lắm điều để lo toan. Thiên hạ nhìn vào chỉ thấy sự uy nga, tráng lệ, chỉ choáng ngợp bởi quyền lực, địa vị nhưng đâu biết được nơi góc khuất, có bao nhiêu máu xương đổ xuống, bao nhiêu tâm hồn bị giày xéo thương tổn, bao nhiêu thứ được gọi là thân bất do kỷ.

Người đại diện Mạc Ly quốc tham gia thi đấu lần này là hai vị quận chúa Quốc Hầu Phủ, Vũ quận chúa và Trịnh quận chúa. Trịnh Niên Tâm tấu đàn, Vũ Thường Xuân biểu diễn vũ nghệ. Một điệu Kinh Vũ Hồng được biểu diễn trước mặt mọi người. Vũ Thường Xuân xưa nay vẫn luôn mang bộ dạng kiêu ngạo, điều này vừa vặn thích hợp với bài biểu diễn của nàng ta. Khoác lên mình vũ y vàng rực rỡ, Vũ Thường Xuân xinh đẹp tựa như một con khổng tước. Từng động tác uyển chuyển lay động lòng người, thư thái kiêu hãnh, diễm lệ. Kết hợp với tiếng đàn tỳ bà lúc trầm lúc bổng, lúc xa lúc gần. Mọi người nhất thời có thể cảm nhận được bên cạnh vị quận chúa Vũ Quốc Hầu phủ, có một thân ảnh khổng tước mờ ảo xuất hiện.



Tiếng đàn bỗng chốc nhanh dần lên, khổng tước xoay múa trong điệu nhạc, liên tục xoay tròn xoay tròn. Lúc này âm thanh truyền đến tai người nghe không còn là tiếng tỳ bà đơn thuần, mà như thanh âm của bách điểu quy tụ, đồng loạt cất tiếng ca hót như chào mừng, hân hoan một điều gì đó. Tiếng đàn réo rắc như từ nơi rừng núi xa xôi vọng lại, như hào quang rực sáng cả một vùng trời. Một lát sau tiếng đàn nhẹ dần, khổng tước cũng thu mình lại, khép hờ đôi cánh, yên lặng nằm một góc nghỉ ngơi. Lạ thay dù trong bộ dạng thư thái vẻ đẹp của loài khổng tước vẫn kinh diễm, vẫn rạng rỡ chói chang như ánh mặt trời.

Vũ Thường Xuân nhẹ tung người, xoay tròn giữa không trung, linh thú khế ước Bàng Điểu xuất hiện, mang theo hai hàng dài bách điểu, thể hiện uy nghiêm bá vương bầu trời. Bên dưới, quanh chỗ Trịnh Niên Tâm đang ngồi những khóm hoa bắt đầu hé nở. Mọi người được một phen kinh ngạc, hoa nở vì tiếng đàn, người say vì tài nghệ. Một màn hoa nở này Cố Ngữ Yên cũng là người đã góp công không ít, áp dụng kiến thức hiện đại, nàng sử dụng đến khí nitơ, canh chuẩn xác thời gian phần biểu diễn kết thúc để trăm hoa trong vườn đua nhau nở rộ. Kết hợp với linh lực hệ Mộc của Trịnh Niên Tâm, hiệu ứng càng được gia tăng gấp bội.

Trong lúc mọi người còn đang chìm đắm trong màn biểu diễn của Mạc Ly quốc vừa rồi, thì vị sứ thần của Triều Dương quốc sắc mặt đã có phần nhăn nhó. Ông vốn đã biết Mạc Ly quốc có tài cầm vũ nhưng không ngờ lại tinh thông, đặc sắc đến dường này. Nhưng rất nhanh nỗi lo lắng đó đã bị sứ thần Triều Dương gạt qua sau đầu, cho dù phần tỷ thí tài năng có đạt thứ hạng cao thì đã sao? Mạc Ly quốc xưa nay vẫn luôn đứng hạng cuối, tài nghệ có cao siêu, biểu diễn có đặc sắc đến mức nào nhưng các phần tỷ thí khác đều kém cỏi thì kết quả chung cuộc vẫn là kẻ thất bại.

Tuy luôn coi trọng tu vi và thực lực nhưng Triều Dương quốc cũng không lơ là đối với hạng mục biểu diễn tài nghệ. Không hổ danh hai chữ “Triều Dương”, màn biểu diễn của Triều Dương quốc mang đến cho mọi người ở đây một loại cảm giác thủy triều dương quang. Không có vạn thú, không có bách điểu, cũng không có mỹ nữ như hoa như ngọc, cũng không có tiếng đàn du dương, chỉ có tiếng trống hùng hồn không ngừng vang dội như sóng gầm biển cuộn. Mực nước dâng cao thủy trào cuộn sóng, con người đứng trước có phẫn nộ của biển cả, không sợ hãi, không chùng bước, vững chải mà vượt qua sóng gió.

Sau màn trình diễn của bốn đại quốc, Tứ Thánh bắt đầu bàn bạc để đưa ra đánh giá thứ hạng của hạng mục tỷ thí đầu tiên. Việc này khiến bốn lão cao nhân gặp không ít khó khăn, mỗi Tiêu mục đều rất đặc sắc, có nội hàm riêng, khó có thể phân định cao thấp. Cuối cùng kết quả được Tứ Thánh đưa ra lần này, tiết mục cầm vũ của Mạc Ly quốc đứng đầu, Cổ Trầm Đàn tấu của Bắc Nguyên quốc xếp thứ hai, Thủy Hòa quốc xếp thứ ba và cuối cùng là Triều Dương quốc. Thứ hạng được phân định như vậy đương nhiên sẽ vấp phải sự phản đối, đặc biệt là từ Triều Dương quốc.

Một trong bốn vị Tứ Thánh Sơn phải đích thân đứng ra giải thích. Nói đến kĩ thuật hay nội hàm Thủy Hòa quốc và Triều Dương quốc đều có điểm độc đáo riêng, nhưng xét về sự phối hợp ăn ý và sự chuẩn bị kĩ lưỡng thì Thủy Hòa quốc đã hơn một bậc do vậy mới dẫn đến kết quả chung cuộc. Đoàn người Triều Dương quốc không còn gì để nói chỉ đành ngậm ngùi rời đi. Nhưng bọn họ đối với hạng mục đầu tiên này đúng là không quá để tâm đến.