Nguyệt Minh Thiên Lý

Chương 120



Sắc trời dần tối.

Nắng chiều chói lọi vương vãi trên Vương Tự cao thấp chập trùng, xen lẫn vào giữa những Phật tháp tinh tế trên hang đá, hoàng hôn nặng buông, vàng rực lay động, chuông đồng dưới mái cong Phật tháp nhẹ lay theo gió, leng ka leng keng, trang nghiêm tề chỉnh.

Tất Sa trèo lên thềm đá, bước chân nhanh nhẹn.

Ám vệ Ba Murs trong góc khuất chặn anh ta lại, nói: “Tướng quân dừng bước.”

Tất Sa gỡ đồng phù của mình: “Ta muốn gặp Vương.”

Ba Murs cầm đồng phù đi vào, chỉ sau chốc lát đi ra, dẫn anh ta vào viện, để anh ta chờ dưới bóng cây.

Tất Sa ngẩng nhìn hầm đá lộ ra vài ánh đuốc lờ mờ, lòng nóng như lửa đốt, đi qua đi lại, ánh mắt đảo qua gốc cây trụi lủi kia, nhìn mấy vết sẹo trên thân cây quen thuộc.

Anh ta nhìn đến ngây người.

Cây này là tự tay Đàm Ma La Già dời đến trồng.

Căn hầm đá này, từng là nơi Đàm Ma La Già ở, cũng là nơi ngài ấy chính thức thọ giới.

Văn Chiêu công chúa không biết… khánh điển mừng sinh thần của La Già kéo dài mấy ngày, nhưng hôm nay mới đúng là ngày sinh của ngài. 

Tay phải Tất Sa nắm chặt chuôi đao.

Đàm Ma La Già không thèm để ý đến sinh thần, bao năm qua đều do tín đồ tự phát ăn mừng cho ngài. Ngày này năm ngoái, một mình ngài ngồi chép Phật kinh từ sáng đến tối, không gặp ai. 

Ngày này năm nay.

Tại thời điểm ý nghĩa phi thường này, ngài ấy đưa Văn Chiêu công chúa đến căn hầm đá có ý nghĩa phi thường với mình. 

Chứng tỏ, Văn Chiêu công chúa với ngài ấy mà nói, cũng ý nghĩa phi thường như thế.



Trong hầm đá. 

Dao Anh đã uống thuốc viên, ngồi xếp bằng.

Đàm Ma La Già ngồi đối diện nàng, ngón tay lần cầm châu, đôi ngươi cụp xuống.

Tĩnh lặng im ắng, khói xanh mềm mại.

Dao Anh không quen ngồi quỳ chân ngay ngắn, chỉ một chốc đã thấy xương sống, thắt lưng đau chân tê dại, còn Đàm Ma La Già vẫn không hề nhúc nhích, hoa văn trên tấm cà sa lặng như sóng nước, giống một pho tượng Phật, chỉ có cầm châu trong tay xoay nhẹ, xem ra, ngài ấy có thể ngồi cả ngày bất động. 

Ánh mắt nàng đảo một vòng, trong phòng bày biện đơn giản, án thư bình phong giường thấp bàn thờ Phật, không gì để ngắm cả, bèn quay lại nhìn Đàm Ma La Già, một tay chống cằm, lẳng lặng ngắm chàng.

Ngũ quan chàng rất sắc sảo, đường nét tươi sáng, là cao tăng được vạn dân kính ngưỡng, bình thường nhìn hiền hòa như là ngọc thạch, trong lạnh xuất trần, thật ra nếu ngắm kỹ, gương mặt có mấy phần hào hùng khí khái, nên khi nghiêm khắc lên thì đầy cứng rắn uy nghiêm ung dung, đôi mắt xanh biếc vẫn mềm mại hiền lành, giống như một vũng nước sâu, thong thả sáng ngời, phong thái thần tú.

Dao Anh không nhịn được mà nghĩ: Hẳn khi cười nhìn ngài rất đẹp. 

Từ khi quen biết đến giờ, chưa từng thấy ngài ấy cười. 

Nàng nhìn đến nhập thần, Đàm Ma La Già ngước lên, đối diện tầm mắt nàng.

Hai người im ắng đối mặt, chàng không nói gì, Dao Anh thấy chàng không giống đang thiền định, bèn cười với chàng, cúi đầu mở chiếc túi nhỏ mang theo đến. 

“Tôi còn chưa có quà chúc mừng sinh thần của Pháp sư…” Nàng lôi ra mấy quyển kinh văn đưa cho Đàm Ma La Già.

Đàm Ma La Già nói: “Công chúa đãtặng quà rồi mà.”

Ở buổi điển lễ nàng cố ý lấn lướt các công chúa khác, bảo đội buôn hàng chuẩn bị hậu lễ, khi lễ quan bưng quà tặng của nàng, cả sân khấu suýt xoa thành tiếng, tượng Phật vàng tinh xảo, bảo khí châu ngọc bát bảo, vàng bạc châu báu rực rỡ muôn màu, còn có mấy quyển kinh thư được đóng gáy rất tinh xảo, minh họa rất đẹp. 

Sứ đoàn các nước chưa từng thấy qua mấy quyển kinh thế kia, kinh ngạc không thôi, định mượn xem nhưng chủ chùa không cho, hiện giờ kinh thư cũng đã dùng trong Vương Tự. 

Nàng chưa từng bỏ qua bất cứ cơ hội nào khuếch trương đội buôn của mình, tơ lụa đem từ Trung Nguyên dĩ nhiên quý giá nhưng số lượng có hạng, vải tơ tằm không thể gấp trong một lúc, sản xuất giấy có vẻ dễ hơn, chi phí lại rẻ, lời nhiều, nghĩ mấy hôm nữa tiệm nàng sẽ bán mấy quyển kinh Phật đóng gáy như kia mới được. 

Nghe chàng nhắc tới mấy lễ vật lấp lánh kia, Dao Anh mỉm cười, cầm quyển kinh nói: “Đó là để cho họ nhìn, đây mới là quà mừng tự tay tôi chuẩn bị cho Pháp sư.”

Đàm Ma La Già liếc nhìn nàng, nhận lấy quyển kinh, lật ra xem, trên giấy hoa tiên có in chìm hoa văn hoa sen đầy chữ chi chít.

Chàng chau mày.

Dao Anh biết chàng thông thạo nhiều thứ tiếng, thư pháp tinh xảo, hơi có phần thẹn thùng, nói: “Chữ viết Vương Đình và chữ Hán khác nhau quá lớn, tôi viết không được khá, Pháp sư chê cười.”

Đàm Ma La Già khép lại quyển kinh văn.

Chữ viết Vương Đình của nàng không tốt thật, nhưng chàng có thể nhận ra, tay nàng chép đủ cả bộ gốc của Địa Tạng Bồ Tát kinh nguyện.

Dao Anh cười nói: “Mẹ tôi tin Phật, tôi từng chép Kinh Dược Sư tặng bà. Pháp sư là người xuất gia, người tu hành thoát khỏi vòng sinh tử, không ham sống, không sợ chết, nhưng tôi là người cõi tục, tôi hy vọng Pháp sư sống lâu trăm tuổi, dứt bệnh mạnh khoẻ, sớm dứt được thuốc, cho nên mới nghĩ, muốn chép Kinh Địa Tạng cầu phúc cho Pháp sư.”

Đàm Ma La Già lặng yên một lát rồi hỏi: “Sao công chúa lại chép Kinh Địa Tạng?”

Dao Anh đáp: “Tôi thấy bình thường Pháp sư hay lật xem kinh này.”

Trong phòng ngài ấy mấy quyển Kinh Địa Tạng trên thư án ghi đầy chú thích phê bình, thẻ đọc nhét trong quyển trục, ngày thường ngài tranh biện về Phật pháp với người khác cũng hay trích dẫn Kinh Địa Tạng, hẳn nghĩa của kinh đã thấm sâu trong người, hiểu rất rõ, cực kì tâm đắc, nên nàng quyết định chép bộ kinh này.

Đàm Ma La Già nhìn Dao Anh, nói: “Công chúa không hề tin Phật mà.”

Dao Anh mở to hai mắt: “Nhưng Pháp sư ngài tin.”

Bởi vì đây là tín ngưỡng của chàng, nên nàng muốn dùng cách của chàng mà đeo đuổi việc cầu phúc cho chàng.

Gió thổi vào trong nhà, ánh nến lắc lư, ánh sáng giao thoa chiếu lên mặt Dao Anh, một đôi mắt sáng, nước hồ thu sóng sánh.

Trong lòng động, cờ lay.

Đàm Ma La Già rũ mắt, nhìn quyển kinh văn, hôm nàng thỉnh tội với Phật Tổ, một đêm chép xong hai quyển kinh, chữ viết tinh tế tú lệ, nhưng có thể nhìn ra không hề để tâm tư vào, còn có chỗ bôi xoá. Còn chép Kinh Địa Tạng tặng mình, mặc dù chữ viết xiêu xiêu vẹo vẹo, nhưng lại là từng nét từng thanh chăm chú mà chép.

Chàng xuất thần một lúc, đâu như có thể thấy hình ảnh nàng dựa bàn viết nghiêm túc, chăm chú cẩn thận.

Dao Anh biết ngài ấy không hề để ý đến ngày sinh thần, nhìn chàng nhận quà xong mặt cứ đờ ra, không để trong lòng, dặn một câu: “Nhưng Pháp sư vẫn nên tìm danh y, đúng bệnh bốc thuốc mới có thể khỏi hẳn. Tôi có cho người tìm vài vị thuốc, cũng không biết có tác dụng hay không, đã gửi Duyên Giác, vừa vặn y giả Thiên Trúc đang ở Vương Đình, không ấy mời y giả kiểm tra qua, nếu hữu dụng thì tôi bảo kiếm thêm.”

Đàm Ma La Già cất quyển kinh, ừ một tiếng, tại lúc nàng không thấy, khóe miệng nhẹ giật.

Nàng đại khái muốn nói, Pháp sư, xem bệnh rồi phải uống thuốc.

Lợi dụng lúc nói chuyện, Dao Anh động đậy chân, xoa bả vai, tự dưng thấy một cơn rã rời ập đến, nghiêng người che miệng ngáp, trên trán rịn lớp mồ hôi mịn.

Từ lúc nàng uống thuốc, Đàm Ma La Già luôn quan sát nàng, thấy nàng mơ màng, khẽ nói: “Công chúa uống thuốc này lần đầu, hiệu quả thuốc rất mạnh, nếu thấy buồn ngủ, có thể nằm xuống.”

Dao Anh làm bộ muốn đứng dậy: “Vậy tôi về…”

Đàm Ma La Già lắc đầu, đứng dậy: “Lần đầu người uống thuốc, không thể không có ai.”

Nói xong, đứng dậy ra ngoài tránh mặt.

Dao Anh đáp ừm một tiếng với bóng lưng cao gầy của chàng, nhìn qua nhìn lại, trên góc giường có chăn gối sạch, xem ra ngài ấy đã có chuẩn bị sẵn.

Hòa thượng là một vị thầy thuốc chu đáo ghê.

Mí mắt càng thêm nặng nề, nằm xuống chưa đầy một lát nàng đã ngủ mất.



Nghe thấy tiếng hô hấp của Dao Anh sau tấm bình phong đã ổn định một lúc lâu, Đàm Ma La Già quay lại trong phòng.

Dưới ánh nến, chàng chuyển cây nến đến trước giường thấp, ngồi bên giường quan sát kỹ sắc mặt nàng, cuốn chăn lên, cầm chiếc khăn mềm nâng cổ tay nàng lên, đưa hai ngón dò mạch. 

Người Dao Anh càng lúc càng nóng, bên tóc mai rịn đầy mồ hôi.

Đàm Ma La Già nhíu mày, mang khăn nóng lau cho nàng. Trong mơ nàng cảm giác được động tác dịu dàng của chàng, đưa tay bắt lấy ống tay áo chàng. 

“Pháp sư…” Nàng vô thức kêu, giọng khàn khàn, nghe phá lệ thân mật.

Giống như thì thầm trong màn.

Đàm Ma La Già ngừng tay một lát, rút tay áo cà sa mình ra, tiếp tục lau.

“Pháp sư…” Dao Anh tiếp tục gọi, lần này chụp lấy ống tay áo chàng, ngón tay nắm chặt.

Đàm Ma La Già giật tay áo.

“Pháp sư, đau…” Nàng chợt nói.

Tiếng nói mớ rất nhỏ, hừ nhẹ trong mũi, không phải phàn nàn, cũng không kể khổ, chỉ là vì trước mặt người tin tưởng nên buông hết mọi phòng bị. 

Đàm Ma La Già dừng lại, hàng mi đen dày cụp xuống, che đi mọi suy nghĩ. 

“Đau chỗ nào?” Lát sau, chàng nhẹ giọng hỏi.

Dao Anh cuộn thành một cục, mồ hôi rịn cả người: “Đau cả người…”

Đàm Ma La Già không nhúc nhích, lát sau, cúi người, ngón tay thon dài chậm rãi vươn tới gần gương mặt nàng, đến khi gần chạm đến, vững vàng dừng lại.

Ánh mắt chàng dừng trên mặt nàng, nhìn thật lâu, cúi đầu gỡ cầm châu bồ đề trên cổ tay, vẫn cách tấm khăn mà cầm cổ tay nàng lồng lên. 

Cầm châu bồ đề thường ví như vật phép, trừ tà, tăng trí tuệ, tiêu trừ tai họa, tăng công đức, trừ ốm đau…

Xâu cầm châu này, chàng đã mang theo người nhiều năm.

Chàng đeo cầm châu, niệm kinh cho nàng.

Nguyện nàng giảm bớt nỗi đau, nguyện nàng vô bệnh vô tai, mong muốn đạt thành, gặp nạn vẫn có tốt lành. 

Nghe tiếng tụng kinh trong lạnh uyển chuyển quen thuộc, Dao Anh dần dần yên ổn, ngón tay vẫn níu lấy tay áo cà sa của La Già.

Chàng không rút tay áo ra nữa. 

Nghe tiếng bước chân ngoài bình phong, Ba Murs tới bẩm có Tất Sa đến.

“Bảo cậu ấy chờ đi.” Đàm Ma La Già nhìn Dao Anh, nói.

Sau một khắc, Mạn Đà La có hiệu quả, đôi mày cau lại của Dao Anh đã thả lỏng bớt, không còn thấp giọng nói mê, ngón tay níu ống tay áo chàng cũng đã buông lỏng.

Đàm Ma La Già đợi một lúc lâu, kéo cánh tay lộ ra ngoài vào trong chăn, ngồi lại trước thư án ghi phản ứng của nàng bằng tiếng Phạn, rồi xoay người ra ngoài. 



Trời đã tối.

Tất Sa chờ ở trong viện, thấy Đàm Ma La Già đi tới, vẻ rất nghiêm túc.

“Vương, trong mắt ngài có phải Văn Chiêu công chúa không giống những người khác?”

Nếu Lý Dao Anh chỉ là một cô gái tầm thường, chỉ như công chúa Man Đạt dựa vào sắc đẹp đến mị hoặc lòng người… Tất Sa tuyệt đốt sẽ không khủng hoảng như bây giờ.

Nàng không phải cô gái tầm thường, nàng đã có vẻ đẹp của thần nữ không gì sánh kịp, lại luôn tâm ý tương thông với La Già.

Tất Sa cũng là đàn ông, ở bên Lý Dao Anh lâu ngày, anh ta càng thêm lo La Già sẽ động tình với nàng ấy.

Anh chờ La Già trả lời, ánh mắt thấp thỏm.

Gió đêm phất qua, Đàm Ma La Già đứng trước hiên, ánh trăng tròn đậu trên vai, cà sa phần phật.

“Không giống.”

Chàng thản nhiên nói.

Tất Sa chấn động cả người, đã đoán được là thế nhưng chính mắt thấy Đàm Ma La Già thản nhiên thừa nhận, anh ta vẫn không dám tin.

“Vương, Văn Chiêu công chúa không thể ở lại Vương Đình.” Giọng điệu anh kiên quyết, “Công chúa là người Hán, còn ngài là Phật Tử cao quý đó!”

Tiếp tục thế này, đối với Đàm Ma La Già hay Lý Dao Anh đều không phải chuyện tốt. La Già nếu vì động tình mà hỏng đi tu hành, Lý Dao Anh sẽ bị xem như ma nữ dụ hoặc Phật Tử sa đọa, nàng sẽ chịu mọi thóa mạ, căm hận, khinh bỉ, mà đám tín đồ cuồng nhiệt chuyện gì cũng làm ra được, bọn họ sẽ cố gắng hết sức hủy hoại nàng. 

Đàm Ma La Già ngắm nhìn bóng đêm, sắc mặt bình tĩnh, nói: “Thất tình lục dục, đều thuộc tự nhiên, thiên tính con người có ý dục về nam nữ, ăn uống, không cần né tránh, người tu hành vốn là muốn đoạn trừ mọi dục vọng, trui luyện tâm chí.”

Thất tình lục dục là thiên tính, chàng là người phàm, động tình là bình thường, không cần kiêng kị.

Chàng là người tu hành, động tình chỉ là một kiếp nạn trên con đường tu hành chàng gặp phải.

Lòng không động, cờ không lay. 

Chàng vốn là một cái giếng cổ, trong giếng một gốc sen nước lặng lẽ lớn lên, quạnh quẽ cô tuyệt, nàng vượt qua ngàn sông vạn núi mà đến, như gió xuân phất qua, thổi nhàu mặt nước phẳng, lăn tăn thành vòng, sen nước khẽ đung đưa theo. 

Gió ngừng, nước dừng.

Chuyện trên thế gian, trôi qua không dừng, tình yêu như hạt sương, mỹ nhân như bọt nước.

Nàng sẽ trở lại vùng đất Hán xa xôi đoàn viên với người thân, cả đời vui vẻ. 

Chàng tiếp tục cô độc tu hành, dẫu thịt nát xương tan, cũng không quay đầu.

Tất Sa cười khổ.

Anh ta tin tưởng Đàm Ma La Già tâm tính kiên định, có thể xử lý tốt quan hệ với Lý Dao Anh. Nhưng chuyện đời nào đơn giản thế.

La Già là Quân chủ Vương Đình, là Phật Tử trăm họ kính ngưỡng, mà còn là Nhiếp Chính Vương Tô Đan Cổ…

Tất Sa ổn định tâm trạng, nói: “Vương, chuyện Văn Chiêu công chúa tranh chấp với công chúa các nước đã lan truyền, dân chúng lén dùng mọi lời chửi mắng khó nghe nhất với người, bảo người ngăn cản Vương tu hành, si tâm vọng tưởng, nói người vô sỉ, thấp hèn, sẽ gặp báo ứng, vĩnh viễn rơi vào địa ngục Tu La… Người còn nói từng mơ bị Thần Phật trừng trị, ai nấy đều tin cả, vì họ đều cho rằng trừ phi người xuất gia như Ma Đăng Già, nếu không chắc chắn sẽ có kết cục thảm hại.”

“Vương, cuối cùng rồi Văn Chiêu công chúa sẽ về Hán, để tốt cho nàng ấy, ngài không thể ưu đãi nàng thế nữa.”

“Tôi nguyện vì Vương mà chăm sóc cho Văn Chiêu công chúa, Vương, tôi chắc chắn sẽ dùng hết sức mình bảo vệ công chúa, dù máu chảy đầu rơi vẫn không chối từ.”

Đàm Ma La Già quay lại, nhìn Tất Sa, đôi mắt xanh biếc trầm tĩnh.

Tất Sa trong lòng than thầm, quỳ một gối trên đất: “Vương, thần và Văn Chiêu công chúa là bạn, thần thề, tuyệt đối không dám, cũng không có bất kỳ cử chỉ ác ý nào đối với công chúa… Thần chỉ là, lo lắng cho tình cảnh của Văn Chiêu công chúa.”

Anh ta nhắm mắt, hai tay nắm chặt đầy quyết tâm. “Vương, ngài động tình với công chúa, rất có thể mang tai họa đến cho người, hơn thế nữa, là tính mạng.”

“Bọn họ sẽ giống như xử tử yêu nữ ngoại đạo, ném Văn Chiêu công chúa vào lửa đàn thật sự, thiêu sống người, để rửa sạch tội lỗi của người.”

Đình tiền yên tĩnh đến lạ kỳ.

Gió đêm lồng vào cà sa của La Già, chàng nói: “Tất Sa, ta động tâm hay không, không liên quan đến Văn Chiêu công chúa.” Giọng điệu uy nghiêm, hàm ý cảnh cáo.

Cho dù chàng hơi động một tí lòng, tất cả hậu quả chàng một mình gánh chịu, không liên can đến Lý Dao Anh.

Tất Sa nghe ra quyết tâm của chàng, cảm thấy khổ sở trong lòng, tia đắng chát lướt trên mặt.

“Thần ghi nhớ.” Anh ta hiểu rõ Đàm Ma La Già, biết La Già sẽ không trốn tránh, dù kết quả thế nào, La Già vẫn sẽ một mình gánh vác mọi quả đắng.

Nên anh mới lo lắng đến như thế. 



Tất Sa đứng dậy, rời hầm đá.

Nỗi sợ quanh quẩn trong lòng anh ta mấy năm qua lại dâng lên.

Anh ta nhớ tới lời sư tôn trước khi lâm chung: “Tất Sa, không được mềm lòng, không được chần chừ… Thật đến ngày đó, con phải tự tay giết ngài ấy.”

Câu nói này, La Già cũng từng nói với anh. “Tất Sa, không cần chần chừ, ta thân mang bệnh nặng, vốn đã là người sắp chết.”

Tất Sa chùi khóe mắt.



Nhiều năm trước, Đàm Ma La Già tu tập công pháp.

Chàng rất kiên cường, không chỉ chịu đựng đau đớn ghê gớm của thân thể mà còn chịu khảo nghiệm tinh thần, trừ lúc vận công lộ ra vẻ phá lệ lạnh lùng, cũng không khác thường.

Trước khi lâm chung, sư tôn Ba La Lưu Chi gọi Tất Sa đến, đưa cho anh ta một thanh đao. “Tất Sa, con là đồng môn của La Già. Sau này nếu La Già lên cơn điên cuồng, đại khai sát giới, con phải tự tay giết ngài ấy.”

Tất Sa cả kinh thất sắc: “Sư tôn, La Già là Phật Tử, ngài tu công pháp là bởi vì không đành lòng nhìn từng người cận vệ chết thảm, sao đại khai sát giới được?”

Ba La Lưu Chi run run: “Trên đời không có gì là tuyệt đối… Con đã từng nghe chuyện Tái Tang Nhĩ Tướng quân rồi chứ?”

Tất Sa gật đầu, đương nhiên anh ta biết, mỗi một thiếu niên lang của Vương Đình đều muốn trở thành đại anh hùng như Tướng quân Tái Tang Nhĩ.

Ba La Lưu Chi nhìn anh ta, ánh mắt thương xót. “Tất Sa, Tướng quân Tái Tang Nhĩ là sư huynh của ta… Huynh ấy không phải chết trong âm mưu của thế gia… mà là dưới đao sư tôn.”

Tất Sa mở to hai mắt nhìn.

Ba La Lưu Chi vuốt ve cây đao trong tay. “Từ nhỏ sư huynh tu hành trong Vương Tự, luyện tập công pháp, trong sư huynh đệ đồng môn ngộ tính của huynh ấy tốt nhất, tính tình cũng tốt nhất, các sư huynh đệ đều rất sùng bái huynh ấy.”

“Mười bốn tuổi, sư huynh bắt đầu đi theo cha anh chinh chiến vì Vương Đình, trận đầu tiên đã chém đầu kẻ địch. Mười tám tuổi, sư huynh dẫn ba ngàn kỵ binh ra Hành Lĩnh, đánh bại Hãn quốc Đột Quyết, diệt tám ngàn quân địch, bắt tù binh hơn hai vạn người… Huynh ấy võ nghệ cao cường, tính tình cương nghị, không gì có thể quật ngã huynh ấy…”

“Cả đời sư huynh trung trực, giữ vững biên cảnh cho Vương Đình, khống chế con đường buôn bán Đông Tay trong tay Vương ĐÌnh, khắc địch phục viễn*, anh dũng thiện chiến, cờ Vương Đình tung bay trong đại mạc Tuyết Vực, các nước tiểu bang lớn nhỏ nghe tin đã sợ mất mật, có huynh ấy, các Vương triều lớn mạnh Đông Tây đều không dám xâm chiếm Vương Đình…”

“Sư huynh xem lính như con, được bộ hạ kính yêu, chính trực dũng cảm, không màng danh lợi, chưa từng tự ngạo vì quân công của mình, sinh hoạt hàng ngày luôn cố gắng hướng đến đơn giản, thành thân chưa đến mấy ngày đã ra tiền tuyến…”

“Sư huynh thường nói, thân là binh sĩ Vương Đình, thân là một người tập võ, đương nhiên phải trung với nước, bảo vệ dân.”

Nói đến đây, cặp mắt đục ngầu của Ba La Lưu Chi tràn đầy nước mắt. “Sư tôn nói, sư huynh là người thích hợp nhất để chọn luyện công pháp, tâm tính huynh ấy cao thượng, cho dù Vương thất nghi kỵ gì, thế gia sắp xếp gạt bỏ thế nào, trong lòng huynh ấy đều đặt Vương Đình và bách tính lên đầu, huynh ấy trời sinh là anh hùng, tuyệt đối sẽ không tẩu hỏa nhập ma.”

“Mãi cho đến năm đó… Sư huynh ra ngoài đánh trận, mẹ huynh ấy trong lúc vô tình đắc tội Thái hậu và quý thích Vương thất, bị Thái hậu hạ độc chết, Thái hậu sợ việc bại lộ, nghe gian thần giật dây, dứt khoát hoặc là không làm, đã làm thì làm cho trót, mua đám cướp giết người nhà của sư huynh, giá họa cho thế gia, người nhà chạy ra thành báo tin, đều bị giết…. Đến khi Vương biết thì sai lầm của Thái hậu đã quá lớn, thế gia mắt lạnh đứng nhìn… Cuối cùng, cả nhà sư huynh đều đã chết…”

Ba La Lưu Chi cười khổ. “Sư huynh đánh thắng một trận lớn, mang binh khải hoàn, làm sao ăn nói với sư huynh đây…”

“Huynh ấy cúc cung tận tụy vì Vương Đình, vui vui vẻ vẻ quay về, còn ta thì phải báo cho huynh ấy, sư huynh, người nhà của huynh chết hết, cha huynh, mẹ huynh, người vợ đang mang thai và hai đứa con huynh, anh chị em huynh… đều chết cả rồi! Chết dưới tay gian thần quý thích…”

Ba La Lưu Chi nhìn chằm chằm vào cái tay phát run của mình.

“Về sau, khi sư huynh trở về, Vương sợ sư huynh phát cuồng, càng sợ đám binh lính sùng bái huynh ấy tạo phản, đành che giấu chứng cứ phạm tội, bao che mẹ ngài… Sư huynh không biết bất kỳ điều gì, chỉ cho rằng người nhà mình chết do tai vạ bất ngờ… rồi thế gia cố ý tiết lộ tin tức cho huynh ấy…”

Tái Tang Nhĩ phát điên.

Anh ta xách đao xông vào Vương cung, trên đường đi đại khai sát giới, cận vệ Vương cung là bộ hạ huynh ấy, không phải là đối thủ của anh ta, cũng không ra tay được, nhưng họ không thể trơ mắt nhìn anh ta lạm sát kẻ vô tội.

Cuối cùng, sư tôn của Tái Tang Nhĩ dẫn đầu tăng binh Vương Tự bao vây tấn công anh ta. Khi đó Ba La Lưu Chi tuổi còn rất nhỏ, vụng trộm lẫn vào đám đông.

Ông vĩnh viễn không quên được đêm mưa ấy.

Vị đại anh hùng mà thiếu niên lang Vương Đình sùng bái nhất như một con thú hoang bị nhốt, cùng đồng môn sư huynh đệ chém giết, máu thịt tung tóe.

Cuối cùng Tái Tang Nhĩ chết dưới đao của sư tôn mình.

“Hùng ưng bay lượn nơi chân trời, thần sói rong ruổi nơi đại mạc, huynh ấy không chết ở chiến trường, không chết dưới đao của kẻ địch, mà chết trong tay người một nhà! Cận vệ Vương Đình, sư tôn, sư đệ của huynh ấy… Trung quân đã điều ra vài trăm người lập bẫy, còn bắt họ hàng xa của huynh ấy chỉ vì muốn dụ ra huynh ấy, vây bắt huynh ấy… Đêm hôm ấy, Vương Tự máu chảy thành sông, ta vĩnh viễn sẽ không quên được…”

“Tái Tang Nhĩ chết trong tay chúng ta…”

Toàn bộ tăng nhân Vương Tự tham gia vây quét Tái Tang Nhĩ đều không thể quên đêm ấy, tinh thần ý chí họ sa sút, theo nhau trốn đi trở thành sư khổ hạnh.

Từ đó, Vương thất suy yếu, thực lực quốc gia suy sụp, dòng họ Đàm Ma mấy đời Quân chủ trở thành bù nhìn của đám thế gia.

Mãi cho đến khi Đàm Ma La Già ra đời.

Ba La Lưu Chi nắm chặt lấy bả vai Tất Sa. “Sư huynh không phải bị sư tôn giết chết… Mà là huynh ấy cầu được chết…”

Trước khi Tái Tang Nhĩ lâm chung, liếc nhìn một vòng, nhìn đồng môn mình, lẩm bẩm một câu, “Thật xin lỗi.”

Các sư huynh đệ quỳ gối trước thi thể anh ta, lệ rơi đầy mặt.

Một khắc cuối cùng tỉnh táo, Tái Tang Nhĩ ý thức được lúc mình phát điên đã giết quá nhiều người vô tội, từ bỏ chống cự, ung dung chịu chết.

Các sư huynh đệ tình nguyện anh ta đừng tỉnh lại, tình nguyện anh ấy thật điên mãi.

Một anh hùng, mất đi tất cả, niềm tin suốt đời kiên trì sụp đổ, cuối cùng còn phải tỉnh táo chịu chết, đau đớn nhường nào.

Ba La Lưu Chi nhìn Tất Sa, khuôn mặt vặn vẹo. “Đã nhiều năm… Chỉ có La Già giống anh ấy nhất, La Già là người luyện tập môn công pháp này thích hợp nhất… Nếu đã là ý trời… Con phải theo dõi ngài thật kỹ, trung thành với ngài, đừng để ngài rơi vào cảnh như Tái Tang Nhĩ…”

“Nếu thật sự có ngày đó… Giết ngài, để ngài giải thoát…”



Một trận gió lạnh thổi qua, Tất Sa từ trong hồi ức tỉnh táo lại, đứng trước bậc, giật nảy mình.

Dù La Già lựa chọn con đường nào, vĩnh viễn anh ta sẽ không giơ đao lên với La Già.

Anh ta biết, La Già sẽ không dễ dàng từ bỏ lòng tin. Cho nên, anh ta không sợ La Già phá giới.

Anh ta chỉ sợ La Già động tình.

Phá giới không dao động tâm chí của La Già, nhưng động tình thì không giống. Không động tình, trên đời này không có gì có thể tổn thương đến ngài ấy, động tình, là ngài đã có uy hiếp. Nhưng mà thân phận và công pháp ngài luyện tập đã định sẵn ngài không thể có uy hiếp và nhớ mong.

Ba La Lưu Chi nói, vừa là Phật Tử vừa là Quân chủ, chỉ có một mình La Già. Từ nhỏ ngài đã  ẩn nhẫn khắc chế, càng khắc chế, đến khi bùng nổ, càng dữ dội. 

Ngài còn chưa động tới tình, cứ coi như chỉ là một thoáng chớp rung động, nào biết, động tình, sao lại không động dục vọng?

Đụng tới dục vọng, liền sẽ có cầu mà không được, oán hận, sinh ly tử biệt… Mỗi một loại, đều có thể dẫn đến việc La Già mất lý trí.

La Già muốn độ Văn Chiêu công chúa xuất gia… Thật ra là đã động tham dục, ngài ấy muốn giữ lại nàng.

Nhưng mà Văn Chiêu công chúa sẽ không ở lại.

Tất Sa không muốn nhìn thấy La Già vì thế phiền muộn khổ sở. Biết rõ sẽ mất đi, còn để ngài ấy ngắn ngủi đạt được, sao mà tàn nhẫn.

Tất Sa cúi đầu nhìn bội đao bên hông, thở dài một hơi, hồi phục suy nghĩ, bước vào màn đêm thăm thẳm.