Mộng Chiếu

Chương 54: Ngoại truyện 2



Thủy triều dâng.

Sương giăng mặt đất, bồng bềnh du đãng.

Cánh buồm lại căng gió ra khơi, cũng có đoàn thuyền giương buồm trở về trong sự hồ hởi, bến cảng dần trở nên tấp nập huyên náo như mọi ngày.

Mùi hương của biển cả, của cát vàng, của nhưng con cá tươi mơn mởn chỉ mới được đánh bắt đêm qua cứ quanh quẩn bên cánh mũi.

Ta đi dọc theo con đường nhỏ trong trấn, từng sạp hàng bán bánh bao nóng hổi hay bánh Hồ thơm lừng khó cưỡng cứ như mời gọi ta.

Sư phụ cho ta năm hào, mua cá hết ba hào, còn hai hào liệu có đủ mua bánh không nhỉ?

Ta sợ sư phụ sẽ mắng ta lắm, lần trước ta cầm tiền thừa đi mua có một cây kẹo mà người cũng phạt ta trồng cây chuối nửa ngày trời.

Giờ nghĩ lại mà chân tay ta vẫn bủn rủn đây này!

Nhưng mà... ăn cá mãi cũng chán lắm, ta mua bánh cho sư phụ ăn để người có chút tinh bột mà lớn lên chắc cũng không đáng bị phạt đâu nhỉ?

Ta hạ quyết tâm, chạy như bay vào sạp bánh Hồ thơm phức nóng hổi, hùng hổ đập lên mặt bàn hai hào mà vỗ ngực hô lớn:

"Cho hai cái bánh Hồ!"

Ta còn chưa đắc chí được bao lâu thì lão đã quay ra trừng mắt với ta rồi lên giọng quát: "Ranh con, hai hào mà đòi những hai cái!"

Miệng ta cố nặn ra nụ cười méo mó, gãi gãi đầu giơ một ngón tay.

"Vậy... vậy cho ta một cái thôi..."

...

Ta là Quân Trầm Ngư, "Trầm Ngư" trong "Trầm ngư lạc nhạn", năm nay ta mười lăm tuổi, là đệ tử đời thứ nhất của Kinh Triều đao. Sư phụ ta là Bách Lý Thiên Hinh, người chính là kỳ tài ngàn năm có một đã sáng lập ra tông phái đao pháp Kinh Triều uy chấn thiên hạ.

Tiểu cô nương tóc bạc tựa ngân hoa quét dài trên đất vận hồng bào đỏ rực như màu hoa mào gà ngồi vắt vẻo đung đưa trên mỏm đá giữa biển khơi ấy chính là sư phụ ta.

Ai nói trên thế gian này không có thần tiên chứ, sư phụ ta chính là thần tiên hạ phàm! Vì sao ư?

Lần đầu ta gặp người là năm ta bốn tuổi, khi ấy mái tóc của người đã bạc trắng như bây giờ nhưng dáng dấp lại thấp bé mảnh mai, tư mạo trong thuần dịu dàng tựa gió xuân khiến mai đào tươi tốt mười dặm cũng phải hờn ghen mà trở nên ảm đạm lu mờ.

Sư phụ rất thấp và nhỏ bé nhưng lại đeo sau hông hai thanh bảo đao không hề tương xứng với vóc dáng chút nào.

Nhưng người rất đẹp, phóng lãng tự do như cơn gió ngoài đại hải, mềm mại dịu dàng như mặt hồ trở chiều.

Đến tận bây giờ khi ta mười lăm mà người vẫn không chút thay đổi. Vẫn hệt như năm xưa, vẫn là một tiểu cô nương mười ba mười bốn.

Ngươi nói xem, một người không bao giờ già đi không phải thần tiên thì là gì!?

Không cao lên, không già đi, không đổi thói quen.

Nhưng ngươi đừng vì ngoại hình ấy mà coi thường sư phụ ta. Thiên hạ có câu: Đạp qua biển lớn chẻ đôi sơn hà, chính là để chỉ Bách Lý Thiên Hinh.

Có rất nhiều kẻ không biết tự lượng sức đã tìm đến sư phụ hùng hùng hổ hổ đòi tỉ thí một trận để phân cao thấp. Ờm... trong đó cũng có ta. Tất nhiên là cũng bị quật cho tơi bời như bao kẻ khác rồi. Nhưng sư phụ ta lại rất quân tử, người không dùng đao để tỉ thí mà dùng một cành liễu nhỏ thay cho binh khí. Nhưng dù sư phụ có dùng gì đi chăng nữa thì cũng chẳng ai địch lại người.

Sóng trắng đánh mạnh vào mỏm đá, cơn gió mang theo hơi nước cùng mùi hương của biển thổi vào đất liền, thổi bay cả mái tóc trắng hơn tuyết của người.

Hàng mi trắng muốt của người rủ xuống, chậm rãi ngoái lại liếc nhìn ta ở phía sau.

Thiên Hinh cất chất giọng đĩnh đạc trái ngược hoàn toàn với ngoại hình của một đứa trẻ: "Sau lâu vậy? Ngươi lại vào trấn à?"

Ta không dám nhìn thẳng mặt sư phụ, cười cười ra vẻ vô tội: "D-dạ, cá ở trong trấn ngon hơn..."

Nàng nhíu mày: "Ngon hơn hay không thì không biết, tiền thừa đâu?"

Ta khóc thầm trong lòng, nở một nụ cười bất lực: "S-sư phụ... tiền thừa... con mua... bánh rồi."

Đúng như dự đoán, sư phụ sẽ nổi đoá mà liếc xéo ta.

"Đúng là..."

Cái cảm giác ngày nào cũng phải ăn đi ăn lại món cá nhạt nhẽo nó đau khổ lắm, ngươi hiểu không? Ta không can tâm mà giãy đành đạch:

"Cứ ăn cá mãi thế này con cũng sẽ tanh như cá đó sư phụ! Lâu lâu cũng phải đổi vị chút chứ!"

Bách Lý Thiên Hinh nhấc theo hai thanh bảo đao đứng dậy, tư thái phong nhã, ánh nhìn tĩnh mịch hững hờ. Nét u ám trầm mặc ấy hiện trên gương mặt non nớt trẻ thơ này không hề phù hợp chút nào.

Đoạn nàng phất tay áo, trường bào đỏ rực như lửa tung bay trong gió, cùng nữ nhân đạp qua mặt biển dậy sóng mà không một chút sợ hãi nao núng trên mặt. Nàng tung người, ung dung đáp xuống mặt đất.

Sư phụ nghiêng mặt, đưa bàn tay nhỏ bé kéo lấy cổ áo ta mặc cho người đệ tử này còn đang giãy dụa.

"Chỗ cá này chỉ đủ ăn trong hôm nay, tiền thừa cũng không còn, con bắt sư phụ phải nhịn đói à?"

Ta cúi đầu bĩu môi, cái bánh vừa vào bụng còn chẳng đủ dính kẽ răng nhưng ít nhất cũng đỡ đi cơn thèm.

Ta thà ăn một chiếc bánh rồi nhịn đói vài ngày còn hơn là ăn cá đều đặn ba bữa!

"Đệ tử nhịn đói được ạ, không phải phiền sư phụ..."

"Về luyện đao."

...

Ta theo sư phụ đến vùng biển ở phía đông này từ năm bốn tuổi và chưa từng một lần rời khỏi đây nên rất hiếu kỳ về thế giới bên ngoài. Ta từng nhiều lần xin sư phụ cho ta được đến Trung Nguyên nhưng lần nào cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Sống cảnh nhàm chán ngày ngày ngắm biển như vậy ta không chịu được, nhưng sư phụ thì lại khác. Ta hỏi người có chán không, người nói không. Người nói đã mấy mươi năm rồi người chưa từng bước chân khỏi cảng biển, cũng chẳng có chút gì hứng thú với bên ngoài.

Ta cũng từng hỏi quê người ở đâu.

Người đáp: "Không còn."

Ta hỏi lý do.

Người bảo: "Chết hết rồi."

Ta hỏi người bao nhiêu tuổi.

Người hững hờ: "Không nhớ nữa."

Ta lại hỏi vì sao người trẻ mãi không già.

Người vô cảm: "Sinh lão bệnh tử chính là vẻ đẹp của con người, ta không có được vẻ đẹp ấy. Từ lâu ta đã chẳng ra hồn người."

"..."

Nếu sinh lão bệnh tử là vẻ đẹp của con người, vậy tại sao những kẻ ngoài kia lại khát cầu được sự sống vĩnh hằng?

...

Năm nay ta tròn mười bảy tuổi, cuối cùng cũng học được trọn vẹn hai mươi thức đao rồi, chỉ còn hai mươi thức nữa là ta có thể xuất sư. Đến lúc ấy ta sẽ tung hoành thiên hạ, trở thành Thiên hạ đệ nhất võ công sánh ngang với sư phụ cho mà xem.

Mùa đông năm nay đến thật nhanh.

Thiên Hinh ngồi tựa bên cửa căn nhà đơn sơ mà mái ngói đã phủ một lớp tuyết dày đặc. Bóng lưng nhỏ bé cô tịch trong tiết trời tuyết lạnh thấu xương thấu thịt ấy càng trở nên mệt mỏi.

Sắc trời chưa đổi, nàng lặng lẽ nâng chén trong đêm dài. Bất giác đưa tay ôm lấy ngực, trên mặt không còn chút huyết sắc, tứ chi rã rời nhưng nàng lại không lộ ra một chút biểu cảm trên gương mặt.

Sao khuya lác đác, ngọn đèn khẽ lay, cảnh u buồn sầu thẳm vọng xuống từ chín tầng mây chẳng so nổi một phân với lòng nàng.

Thiên Hinh lặng lẽ rủ mắt, nàng quay sang gương đồng bên cạnh, đăm chiêu ngắm nhìn dáng vẻ của bản thân trong ấy, ánh mắt đờ đẫn vô hồn:

"Kia là ta...?"

Không một ai đáp lại. Nàng nghiêng mặt cười ngây dại, ngón tay trườn nhẹ lên gò má.

"Ngươi đâu phải ta? Ngươi không phải ta!"

Chỉ có tịch mịch đáp lại.

Tay nàng vung thật mạnh, gương đồng lập tức văng ra xa rồi rơi xuống đất vỡ nát.

Thiên Hinh siết chặt lấy lồng ngực, nàng gào thét thật lớn, gào đến tê tim liệt phổi.

"Ngươi không phải ta! Cút khỏi cơ thể của ta đi!!"

.



.

.

Ta đứng ở một góc đã chứng kiến hết thảy, nhưng ta không ngăn sư phụ. Đây không phải lần đầu tiên người như vậy mà là rất lâu về trước rồi.

Ta từng hiếu kỳ hỏi về quá khứ của người.

Thiên Hinh lạnh lẽo như tảng băng: "Ta chẳng còn nhớ gì về trước kia cả."

Không biết là người đã thật sự quên hay là không muốn nhớ. Nhưng ta cảm nhận được đó là những năm tháng dài đằng đẵng chẳng có một tia ánh sáng.

...

Từ trước đến giờ lời sư phụ dạy bảo ta đều nghe vanh vách nhưng càng lớn dần ta càng tò mò về mọi thứ xung quanh cũng như mọi thứ về sư phụ.

"Sư phụ, bao giờ chúng ta có thể đến Trung Nguyên?"

Thiên Hinh chớp mắt khẽ thở dài: "Đợi đến khi con hiểu chính mình, đến lúc đó ta sẽ không cản con."

Ta cau mày phản bác ngay: "Con đã lĩnh hội được hai mươi thức đao, đó cũng tính là nhiều rồi mà. Người còn bắt con chờ đến khi nào đây?"

Không căm phẫn, không chế nhạo, không

vui không hờn, không ghét không thương, nàng đáp:

"Trong thiên hạ hay giang hồ, cái khó nói nhất chính là đúng sai. Ai cũng có lý lẽ riêng của mình, đúng sai nằm trong lòng mỗi người chứ không ở đâu khác. Ngươi không hiểu được bổn tâm thì có tinh thông trăm loại tuyệt học võ công của thế gian thì cũng chẳng đi đến đâu cả."

"Vậy sao đến giờ sư phụ vẫn ở đây? Vì người chưa tìm được bổn tâm?"

Nàng sững người, tròn mắt nhìn ta. Trên môi người chậm rãi nở một nụ cười bi ai.

"Đúng, ta đã sống trên thế gian này hơn bảy mươi năm rồi nhưng vẫn chẳng biết sống vì cái gì. Ta sống rất nhạt nhẽo và vô nghĩa. Cho nên, ta không muốn con giống như ta."

Nụ cười của nàng chẳng ẩn chứa điều gì, trống rỗng mênh mông không thấy bờ.

Ta khẽ giọng.

"Sư phụ, con vẫn muốn hỏi một chuyện. Vì sao người lại căm ghét triều đình đến vậy?"

Ánh sáng sắc lạnh ảm đạm mờ nhạt như ánh tuyết lóe lên trước mắt ta, một bóng đỏ lao vút trong hư không cùng cát bụi ngập trời.

Thiên Hinh tra Thương Hải khỏi vỏ, thân ảnh nhỏ bé cùng bảo đao đen tuyền sâu lướt trên biển khơi xanh thẳm. Từng nhát đao của nàng uy lực đến độ tưởng chừng có thể chém không khí cùng mặt biển sóng gào thành từng mảnh.

!!

Mỏm đá lớn chênh vênh vỡ nát dưới lưỡi đao Thương Hải.

Bách Lý Thiên Hinh đứng vững hai chân trên nhành liễu nhỏ bơ vơ lạc lõng giữa biển xanh, tóc bạc rủ xuống che đi gương mặt tựa như cười mà tựa như khóc của nàng.

Thương Hải đen kịt như chính tâm trạng của chủ nhân nó.

Má nàng mát lạnh, không buồn nhìn hắn một cái mà lạnh nhạt giơ thanh Trảm Nguyệt trước mặt hướng về phía hắn.

"Đi đi, hãy đến Trung Nguyên. Chỉ mình ngươi thôi, năm năm sau nếu còn sống hãy quay lại đây học hai mươi thức còn lại."

Ta rủ mắt, trong lòng như có tảng đá đè nặng, vẫn có nén đi mà thưa:

"Vâng, đồ nhi đã hiểu."

...

Ta rời khỏi cảng biển phía đông đã được một năm, tháng nào ta cũng viết thư gửi về cho sư phụ, không biết người có nhận được không.

Trảm Nguyệt là thứ duy nhất bầu bạn cùng ta trong suốt hành trình rong ruổi đất Trung Nguyên rộng lớn, ở đây có rất nhiều thứ mới mẻ hay ho mà lúc ở cảng biển ta không được nhìn thấy.

"Bổn tâm" mà sư phụ nói, đến giờ ta vẫn chưa ngộ được, nhưng có lẽ ta đã hiểu được phần nào. Ta muốn sống một cuộc đời lang bạt đây đó, cứu giúp bách tính, hành hiệp trượng nghĩa.

Ta muốn dẫn sư phụ đến Trung Nguyên để ngắm sao trời về đêm, ăn những món ngon ở đây, cùng người xem múa rối, xem hoa đào nở về xuân.

Lại một năm nữa trôi qua, số thư ta gửi về cho sư phụ đã đếm không xuể nhưng ta lại chẳng nhận được một lời hồi âm nào.

Ta rất lo cho nàng.

Sự hiếu kỳ trong ta cứ tích tụ từ ngày này qua tháng khác dần đổ tràn, ta bắt đầu điên cuồng tìm kiếm mọi thứ liên quan đến sư phụ. Quá khứ của người, quê hương của người, thân sinh của người.

Điều ấy khó như mò kim đáy bể.

Nhưng ta vẫn không từ bỏ.

Một năm sau.

Ta đã biết tất cả.

Cuồng nộ trong ta như ác long gào thét trỗi dậy, khi ấy ta chỉ muốn lập tức băm kẻ ấy thành trăm mảnh, uống máu nuốt gan chúng, khiến chúng đau đớn đến tột cùng.

Sống không được, chết không xong.

Trả lại hết thảy những gì sư phụ đã phải chịu đựng.

...

Ba năm sau.

Mùa xuân năm ấy, ta đỗ khoa cử. Ta đã âm thầm làm tất cả mà không để sư phụ biết, suốt thời gian đó ta học không quản ngày đêm sớm chiều.

Ta biết, ta biết ta đã vi phạm quy tắc.

Là đệ tử của Kinh Triều đao, cả đời không được bước vào cửa quan, không qua lại với triều đình quý tộc.

Ta đã không làm tròn lời thề.

Nhưng dù có phạm phải quy tắc để trả mối thù năm xưa, ta cũng cam lòng.

Người ta vẫn nói nơi quan trường là nơi lạnh lẽo cô độc, chỉ có lợi ích cá nhân đặt lên hàng đầu, xung quanh chỉ có mưu mô thủ đoạn.

Có lẽ đúng là như vậy.

Năm năm tiếp đó ta không trở về với sư phụ mà lăn lộn chốn quan trường, có lẽ sư phụ cho rằng ta đã chết... hoặc không. Liệu người có đang đợi ta?

Đao pháp của ta được rèn dũa mỗi ngày một tốt hơn, rồi dần ta chuyển từ ban văn sang võ, bước đầu thống lĩnh một đạo quân nhỏ.

Lý triều cuối đời vua thứ mười, thiên hạ bắt đầu có nhiều biến động. Chính sách thuế và cống nạp bị biến tướng, phản loạn ở khắp mọi nơi nổi dậy dựng cờ khởi binh, dải đất Trung Nguyên rộng lớn bắt đầu có dấu hiệu bị chia cắt.

Trong đó quân phản loạn nổi dậy ở phía đông rất ác liệt.

Ta sợ sư phụ có chuyện.

Nhưng mà... người là ai chứ, Thiên hạ đệ nhất đao dễ gì bị bắt nạt?

Ta cũng yên tâm phần nào.

Trăng lên cao, ngân hà rực rỡ với những ngôi sao xa cùng yển nguyệt hòa trong tiếng gió trong veo.

Cũng trong đêm ấy ta khẩn xin Thánh thượng cho ta được xuất chinh dẹp yên phản loạn bình định thiên hạ.

Ngài chấp thuận.

Hổ phù trao vào tay ta.

Một thân giáp tuyền cùng Trảm Nguyệt thống lĩnh ba mươi vạn quân chinh phạt từng quận, cứ đánh đổ toà thành này lại đến tòa tiếp theo. Ta ngửi máu tanh nồng nhiều đến mức mũi ta mất đi cảm giác, ta tắm máu quân thù nhiều đến độ chúng ám mùi vào cơ thể ta.

Trảm Nguyện trong tay nàng chưa từng vấy máu một ai, trong tay hắn lại trở thành binh khí đồ sát ngàn vạn sinh mệnh.

Vì cái gì?

Cơ thể ta theo năm tháng trên chiến trường đã lưu lại những vết sẹo cực kỳ man rợn, nếu để nàng nhìn thấy chắc chắn nàng sẽ sợ.

Ta không biết thù này có trả được không, ta chỉ biết bản thân đã sa vào vũng bùn mà vĩnh viễn không thể thoát ra.

Ta trở về bến cảng năm xưa với bộ dạng máu me be bát ấy, ta chạy điên cuồng đi tìm người, ta sợ người đã rời khỏi đây.

Nhưng may quá, sư phụ vẫn ở trong căn nhà nhỏ bé ấy, qua bao nhiêu năm người vẫn không thay đổi.



Còn ta, từ trong lẫn ngoài đều đã không còn chút gì của thiếu niên năm xưa.

Tóc người thả xõa như dòng thác đổ, ngồi quỳ trước hai chữ "Bổn tâm" treo xộc xệch trên tường. Mắt người đờ đẫn vô hồn, da trắng bệch khô ráp như thân cây không có được tưới nước.

Thiên Hinh quỳ bất động ở đó bên đao Thương Hải. Nàng như một cái xác bị rút hết hồn phách, như một mỹ nhân tạc từ băng tuyết lạnh lẽo.

Cả đời nàng chưa từng tìm thấy "đạo" của mình.

Ta hất tà áo quỳ xuống trước người, không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, gương mặt ấy.

Đã mười năm rồi.

Mười năm ngắn ngủi.

Chỉ như một cái chớp mắt, như đóa hoa sớm nở tối tàn.

Mười năm dài đằng đẵng.

Đủ để ta hiểu chính mình, hiểu thế nào là lòng người, để ta trút bỏ sự ngây ngô năm nào. Nhưng ta vẫn chẳng hiểu được nàng.

Còn với Thiên Hinh, mười năm này vừa như cái chớp mắt mà vừa như một giấc mộng ngàn thu.

"Về rồi à..."

Môi khô của nàng thều thào ra vài tiếng, đôi mắt đục ngầu vẫn không hiện chút cảm xúc.

"Đồ nhi làm trái lời dạy bảo của sư phụ, bước vào cửa quan phò tá Lý triều. Không mong sư phụ dung thứ."

Hồng bào đỏ rực kéo lê trên sàn gỗ lạnh lẽo, nàng bước từng bước về phía hắn, hướng đôi mắt xám đục vào vô định.

Bấy giờ ta mới dám ngẩng cao đầu nhìn người, lòng ta chợt nhói.

Một nửa gương mặt trắng bệch không chút huyết sắc của nàng đang nứt ra từng mảng, từ những vết nứt ấy chảy một ít dịch đỏ hệt như máu. Tay và chân nàng cũng tương tự, giống như đang dần phân hủy, kỳ dị vô cùng.

Mắt nàng đã sớm không nhìn thấy gì nữa rồi.

Nàng chỉ cười: "Sao còn về đây làm gì? Về xem sư phụ ngươi chết đúng không?"

Ta quỳ thẳng tắp, đôi mắt hững hờ nhắm, không đáp lại lời kia.

"Đồ sát trăm thành, lừng lẫy tứ phương, Trảm Nguyệt đỏ máu. Hm... chắc ngươi cũng hài lòng rồi nhỉ, những gì ngươi đạt được ngày hôm nay chính là con đường ngươi chọn?"

Ta phủ nhận.

"Không phải."

Thiên Hinh cười khúc khích ngây dại.

"Đệ tử ta dưỡng dục quả nhiên không tầm thường mà. Đi theo Hoàng đế mà giết hàng trăm… à không, hàng trăm vạn mạng người mới đúng."

Ta không phủ nhận.

"Một lũ ghê tởm."

Nàng cười mỉa.

Lưu ly chóng tàn, trải qua bao nhiêu hoàng hôn tuyết rơi, thấm thoát đã hơn tám mươi năm

Lòng bàn tay nàng đặt lên ngực, từ lời nói đến ánh mắt tràn ngập sự thù hận: "Chào đời, hoá ma rồi lưu đày, cuối cùng là tự kết liễu cuộc đời. Chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài an phận trong vòng lặp ấy suốt trăm năm. Tất cả phúc phần đó đều do những kẻ tự xưng là chân mệnh thiên tử ban cho đấy! Đều chỉ là một lũ đạo đức giả!"

Sống lưng ta lạnh đi.

"Đây chính là cái giá của bất tử. Đi ngược với trời chính là nghịch thiên, không sớm thì muộn cũng phải trả giá đắt."

Thiên Hinh khụy xuống, toàn bộ hơi sức của nàng như đã cạn kiệt. Có lẽ đúng như nàng nói, hết thảy những điều này chính là tai hoạ ông trời giáng xuống với một kẻ đi ngược với lẽ thường như nàng.

Nàng cười, hoa đào vẫn nở.

"Cuối cùng chỉ còn mình ta bị giam cầm trong lời nguyền đến tận vĩnh hằng."

"Từ nay Bách Lý Thiên Hinh ta không còn là sư phụ ngươi, ngươi cũng chẳng phải đồ đệ ta. Đi đi, đừng bao giờ quay lại."

...

Hoa quỳnh trắng ngà nở rộ trong đêm, ánh trăng bàng bạc tan ra trong nước.

Ta nhấp một ngụm rượu, thả lá bùa đang bừng cháy khỏi cửa sổ, mặc sức nó muốn bay về đâu.

Nàng được tự do rồi.

Không phải chịu nhưng đau khổ của thế gian, không phải sống trong thù hận, không phải nhìn thấy kẻ phản đồ này nữa, càng không phải chán ghét chính dáng vẻ của bản thân.

Kiếp sau đừng sống một cuộc đời như vậy nữa, hãy là một cô nương rạng rỡ như đoá hoa dưới nắng, lớn lên và trưởng thành rồi lại già đi, sống trọn một đời người.

Quên kiếp này đi.

___

Quân Trầm Ngư nghe theo lời căn dặn cuối cùng của sư phụ, mang theo hai thanh bảo đao Trảm Nguyệt và Thương Hải trở về Trung Nguyên tiếp tục làm Đô đốc cấm quân cho triều đình.

Hai năm sau Bách Lý Thiên Hinh ly thế, trước khi mất nàng đã đốt toàn bộ tuyệt học đao pháp mà cả đời nàng đời nàng dày công nghiên cứu.

Quân Trầm Ngư trở về bến cảng xưa thăm lại cố nhân nhưng đã muộn, khi hắn trở về căn nhà trước kia thì người cũng đã không còn, chỉ còn lại nắm xương tàn.

Một tháng sau Quân Trầm Ngư trút bỏ áo quan, mang theo thủ hạ thân cận lui về Thiên Cực lâu sống đến cuối đời.

Hai mươi thức đạo pháp Kinh Triều được ông khắc lại chi tiết trên bốn trụ đá ở tầng mật thất sâu nhất Thiên Cực lâu. Hai mươi thức còn lại ông từng cố gắng tái hiện qua những mảnh ký ức xưa cũ mà năm xưa Bách Lý Thiên Hinh từng thực hiện nhưng đều không có kết quả.

Thương Hải từ ấy không còn dùng đến.

Mãi đến Kinh Triều đao đời thứ tư, Tô Mạc Vãn hắn mới trao lại thanh bảo đao ấy cho đệ tử Nhiếp Tư Mặc.

___

Bách Lý Thiên Hinh sinh ra trên một vùng đảo có truyền thống rèn binh khí, đây cũng là địa điểm trọng yếu trong việc cung cấp vũ khí cho chiến tranh của triều đình Lý thị.

Binh khí rèn ra đều là loại tốt nhất và được triều đình nhập về với giá cao. Năm ấy loạn lạc nổ ra, Nam Sở sau khi cho người điều tra đã phát hiện ra sự tồn tại của làng rèn trên đảo Thập Châu nằm ở phía đông cách xa Trung Nguyên.

Biết được đây là khu vực trọng yếu trong việc cung cấp binh khí, Nam Sở đã nghĩ ra thủ đoạn cực kỳ tàn độc để ngăn chặn Thập Châu can thiệp vào chiến sự.

Đó là dùng cổ trùng.

Chúng bí mật cho người hạ cổ lên đất đai và nguồn nước ngọt trên đảo. Cây cối rau quả trồng trên phần đất ấy đều bị nhiễm độc, người chỉ cần ăn phải một ít cũng đã trúng cổ rồi.

Khủng khiếp hơn nữa là cổ trùng này còn di truyền từ đời này sang đời khác. Trẻ em sinh xa trên đảo không thể phát triển bình thường, có thể lớn lên trong hình hài người lớn nhưng sức lực không khác gì một đứa trẻ.

Mỗi khi cổ phát tác lại gây ra cơn đau kịch liệt lan ra khắc tứ tri, sống không bằng chết.

Ai kém may mắn hơn thì vĩnh viễn sống trong hình hài một đứa trẻ mười ba mười bốn tuổi dù rằng đã già đến mức không nhớ được chuyện thuở nhỏ. Bách Lý Thiên Hinh chính là ví dụ.

Tuy nhiên, trường sinh và bất tử chính là "đặc ân" của họ.

Nhưng nó cũng chẳng phải điều tốt lành gì, vĩnh viễn bị giam cầm trong lời nguyền khủng khiếp ấy, bị dày vò bởi cơn đau đến chết đi sống lại thì "đặc ân" bất tử chẳng khác nào nhát dao đục khoét họ từng chút một.

Triều đình biết rõ hoàn cảnh cực kỳ tệ hại của Thập Châu đảo nhưng đến cuối cùng vẫn không ra tay cứu giúp mà để mặc họ tự sinh tự diệt.

Vì sao ư?

Vì triều đình đã nắm trong tay toàn bộ binh khí lấy ở đảo từ rất lâu, hơn nữa khoáng vật trên đảo cũng đã cạn kiệt, không thể khai thác mà chế tạo tiếp được nữa.

Coi như đã hết giá trị lợi dụng.

Hơn nữa chẳng ai đang yên đang lành lại muốn nhảy vào hố đao cả, lựa chọn ấy không phải của mình Hoàng đế mà của cả triều thần.

Bách Lý Thiên Hinh ôm hận mà rời khỏi đảo, nàng từng lập lời thề rằng vĩnh viễn sẽ không đội trời chung với quân thần triều đình.

Nàng hận Nam Sở lòng lang dạ sói, hận Lý triều vô tâm vô tình.

Hận hắn nhẫn tâm bỏ nàng ra đi.

Hận bản thân chấp mê bất ngộ.
Mã nhập tay Voucher Lazada siêu sale 6-6:
(Áp dụng cho tất cả các đơn từ 20h 5/6 - 10/6)