Kiếp Nào Mình Bên Nhau

Chương 14: Án mạng kì bí



Một ngày Nhung ngồi soạn thảo trong văn phòng, đến giờ nghỉ trưa thì cùng các đồng nghiệp xuống dưới nhà ăn. Trong lúc mọi người đang dùng bữa vẫn có những câu chuyện ngoài công việc được chen vào. Đương bình thường thì một cậu đồng nghiệp làm rơi chiếc muỗng từ trong tay xuống khay cơm, trong khi tay kia vẫn còn cầm điện thoại.

Cậu ta réo lên: “Gì mà ghê vậy!”

“Có chuyện gì?” Mọi người đồng loạt đổ dồn ánh mắt về cậu ta.

Cậu xoay màn hình điện thoại lại, trên ấy xuất hiện một bài mà ai nấy đọc xong cũng đều cảm thấy kinh hãi. Cách đây vài ngày, ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, người dân phát hiện một cái xác người khô quắc trong trạng thái cúm rúm ở dưới cống, nên mới báo với cảnh sát địa phương. Sau khi xác định được danh tính thì đó là một người phụ nữ tuổi đã ngoài ba mươi, nhưng vì để tóc tém cùng dáng vẻ bề ngoài mà thoạt đầu dễ dàng lầm tưởng thành đàn ông. Hơn thế, tuy đã chết được một tuần thế mà thể xác không hề bốc mùi hôi thối.

Ngoài ra lúc bên khám nghiệm tử thi đưa kết quả, cục cảnh sát được một phen ngỡ ngàng khi biết trong cơ thể người đã khuất không còn bất kì cơ quan nội tạng nào, máu cũng bị rút cạn kiệt, khiến cái xác mới trở nên khô queo như khúc củi.

Họ tiến hành kiểm tra thiết bị an ninh và đã trích xuất được một đoạn ghi hình được cho là thủ phạm. Nhìn qua người này cao, vóc dáng trông như của đàn ông, bước đi khoan khoái và trong tay cầm theo một chiếc dù đen, trên in nổi những kí tự lạ màu vàng kim. Chính chiếc dù là vật dụng giúp hắn che đi khuôn mặt của mình trên thiết bị an ninh, làm cảnh sát không thể nhận định được danh tính.

Theo như tư liệu từ đội điều tra phòng chống tội phạm, gần đây có vô số những vụ báo án mà người chết lúc phát hiện đều trong tình trạng tương tự. Hơn nữa các vị trí gây án cũng ở rất gần nhau, gây nên nỗi hoang mang trong dư luận.

Ngẫm nghĩ kĩ, dạo gần đây chung quanh Nhung luôn xuất hiện những sự kiện lạ và giấc mơ kì ảo. Cô không biết nếu xâu chuỗi chúng lại có phải sẽ tạo nên sự liên kết nào chăng?

Trong dãy núi xa xôi, ở nơi bốn trụ cột căn nhà bỗng dưng từ khi nào đã có bốn pho tượng hình hổ đồng, trên lấp đầy cát đất còn chưa rơi hết. Thiên Huyền miệt mài ngày đêm tọa trong kho đạn bỏ hoang, hai chân xếp bằng cùng đôi tay đặt lên đầu gối. Anh nhắm mắt, kiểm soát từng nhịp hơi thở. Suốt năm ngày năm đêm liên tiếp, anh không hề uống bất kì giọt nước nào, cũng không nhét vào miệng được món gì.

Thiên Huyền luôn luôn túc trực ở một vị trí, nhìn bề ngoài thì có vẻ không có gì là xáo động, mọi thứ vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Song thực chất rằng ở nơi đó, sự tồn tại của Thiên Huyền cũng chỉ còn là thân xác, linh hồn của Cửu Vỹ Hồ đã chui ra khỏi Thiên Huyền và đang chiến đấu với bốn linh tượng Hổ Tây vực. Các linh tượng này mang trọng trách bảo vệ người cổ binh, thần lực cao thâm cùng sức mạnh vô biên, có khi còn chưa chiêm ngưỡng được thần pháp của vị cổ binh thì đã bẹp dúm dưới chân của Hổ Tây vực.



Trong một thế giới nào đó, ở vùng đất mà chỉ thấy toàn bộ là mây mù bao phủ các rặng núi. Giữa không trung, lẫn trong đám mây mang sắc màu của hồng, tím, xanh, Cửu Vỹ đương kiên cường ác chiến với cả bốn đại linh tượng. Hình dạng của chúng vẫn là hổ nhưng thân xác to gấp rưỡi một chiều cao thông thường của con người.

Chúng vồ tới tấn công lấy Cửu Vỹ, định xâu xé Cửu Vỹ thành trăm ngàn mảnh. Tuy vậy Cửu Vỹ cũng không chịu khuất phục, đã tinh luyện qua bao thuật pháp, bản thân dẫu có mang một nửa cốt người nhưng bản chất là dã thú. Cửu Vỹ Hồ Thiên Huyền độc lập, hiếu chiến, bản lĩnh, hoàn toàn sở hữu bản năng của một hồ ly tinh.

Chín cái đuôi của Thiên Huyền lộ diện ra từ phía sau, mượt mà và trắng muốt bay lượn trong những đám mây vạn màu sắc. Không chỉ vậy, chín cái đuôi ấy còn hiện diện cả chín cái đầu của cáo tinh. Mắt chúng xanh thẫm như lam ngọc, tinh anh phát sáng.

Qua bao ngày gian khổ thì Cửu Vỹ cũng đã hạ gục được bốn linh tướng Hổ Tây vực, mất đi không ít sinh lực nhưng thành công có được vị cổ binh. Anh từ từ mở mắt, thì từ dưới lòng đất trồi lên một chiếc chiếc kệ mang hình hài như một chiếc tủ đựng đồ nhưng kích thước vừa phải, phía trên đặt tượng voi đồng đen.

Tuy nhiên Thiên Huyền tỏ ra khá thất vọng khi không thể kêu gọi được người cổ binh ra, nên anh đành mang voi đồng về.

Mười lăm tiếng trước khi kết thúc ngày hai mươi bảy.

Ông bà Năm Thành lên đường đến một thiền viện nằm trên ngọn núi cách xa trung tâm đô thị hai trăm mười bốn cây về phía Tây. Còn Huy và Nhung định rằng sẽ xuất phát sau khoảng hai tiếng.

Trên thiền viện, một chú tiểu từ gian sau tiến lên chánh điện nhẹ nhàng đặt xuống bàn một bình trà ấm nóng. Chú xin phép sư ông cùng hai vị thí chủ đến viếng thăm thiền viện để lui ra sau.

Sư ông lúc này mới cầm bình trà rót vào hai chiếc tách mời hai người, rồi hỏi chuyện. Bà Năm thay mặt chồng kể giấc mơ trùng hợp của hai đứa con. Sư ông không nói một lời gì, suy ngẫm một hồi chỉ hỏi bà một câu.

“Lúc nãy vào đây hai ông bà đã thắp nhang cho các chư Phật chưa?”

“Dạ chúng con thắp rồi thưa thầy.”



Sư gật đầu, đứng lên tiến đến nơi thờ tam thế Phật, thận trọng rút từ sau tòa sen các Ngài tọa vị một mảnh giấy đã cũ nát. Ngồi xuống rồi sư bắt đầu nói.

“Đạo hạnh tôi chưa cao nên chỉ biết được thế này, các con của hai ông bà đây ở nhiều đời trước từng là vợ chồng gắn kết sâu nặng. Nhưng có một biến cố làm cho cả hai ra đi khi đường đời còn quá trẻ. Xưa kia chiến tranh loạn lạc, hai đứa con của ông bà lúc đó là hai vị tướng cầm quân chống trả kẻ thù, song chẳng may người vợ, nghĩa là con gái của bà bây giờ, bị thương nặng nên người chồng mới đánh xe ngựa đưa vợ về doanh trại. Trong lúc quay về thì bị đối phương đột kích bằng giáo nhắm vào nơi của người vợ, người chồng thấy vậy liền che chở cho vợ mình rồi chết ngay sau đó. Những chi tiết hơn thì y như hai ông bà kể. Khi hấp hối cả hai thệ nguyện ở đời nào cũng sẽ gặp nhau, rồi đến kiếp này lại là anh em, là con của hai ông bà.”

Ông bà Năm nghe thấy thế liền thay đổi sắc mặt: “Thật vậy sao thầy?”

“Đúng là chuyện khó tin, nhưng kẻ tu hành tuyệt đối không được nói lời gian dối. Hiện tại hai người con của ông bà đang ở đâu?”

“Dạ tụi nó đang trên đường đến đây.”

Sư thầy nghe vậy mới nhắm mắt một lúc rồi gằm mặt suy nghĩ, lát sau ngài ngẩng lên, thái độ không còn như lúc đầu mà đột nhiên trở nên thúc giục và đuổi khách.

“Bây giờ hai vị lập tức đi về, gọi xem hai người con đang đi đến đâu rồi. Nếu nhanh thì kịp, tôi nghi có chuyện chẳng lành.”

“Thầy nói vậy là sao hả thầy? Con tụi con sẽ gặp chuyện gì vậy thầy?” Bà Năm hốt hoảng.

“Bà hỏi nhiều quá, đi nhanh còn kịp, lẹ lẹ.” Ông Năm khều tay, kéo lôi bà ra ngoài.

Tiễn khách đi khuất rồi sư ông mới vào lại chánh điện, lấy ra một hộp gỗ dài trông đã được bảo quản vô cùng kỹ lưỡng, cất vào trong tờ giấy ban nãy.