Hưởng Tang

Chương 301: Chuyện cũ



Đàm Chấn Anh dáng người nhỏ gầy nhưng khí thế áp đảo toàn bộ, đến cả người ngồi sau màn che cũng bị cảm giác này đè nén mà phải trầm mặc. Cán cân trong lòng bà ta bất giác cũng hơi chếch về phía kẻ này.

Đứng trước một người ý chí kiên định, tâm như bàn thạch thế này Triệu Tử Mại bỗng nhiên cảm thấy không có gì để tin tưởng, giống như biểu hiện của hắn trước mặt Triệu Văn An vậy.

Hắn nhẹ nhàng quay đầu nhìn gương mặt như được chạm khắc đến kiên nghị của Đàm Chấn Anh sau đó bỗng nhiên nhớ tới một chuyện mà lão quản gia Chu Bồi đã từng kể. Ông ta chính là người luôn đi theo Triệu Văn An khắp nơi.

Ông ta nói thời trẻ Triệu Văn An từng cùng Đàm Chấn Anh theo học một vị đại sư trứ danh tên là Đường Chi Giám. Lúc ấy ông ta còn phải gọi Đàm Chấn Anh một tiếng sư huynh. Năm ấy Đường Chi Giám làm quan trên triều, vì học vấn cao thâm nên xung quanh tụ tập rất nhiều sĩ tử hàn lâm ưu tú. Triệu Văn An lúc ấy mới thi trúng tiến sĩ và đầu nhập dưới trướng ông ta nên cũng quen Đàm Chấn Anh đã đi theo lão sư từ lâu.

Đàm Chấn Anh cực kỳ nghiêm túc trong việc nghiên cứu học vấn, rất được mọi người kính nể. Đường Chi Giám cũng khen ngợi lão thật thà chăm chỉ, học thức vững chắc nhất. Còn Triệu Văn An lúc trẻ cũng một lòng muốn làm thánh nhân nên cực kỳ bội phục tác phong nghiêm khắc kiềm chế bản thân của Đàm Chấn Anh. Ông ta thường hỏi về học vấn và từ đó xây dựng tình bạn bền chặt với người này. Bởi vì hai người đều cực kỳ tôn sùng Trình Chu Lý Học nên Đàm Chấn Anh cũng cực kỳ thưởng thức Triệu Văn An. Căn cứ theo kinh nghiệm cầu học của mình lão cũng dạy dỗ Triệu Văn An để rồi từ đó Triệu Văn An cũng bắt chước ông ta viết lại ký lục về việc làm và lời nói hàng ngày. Viết xong ông ta sẽ đưa cho Đàm Chấn Anh để được phê duyệt chỉ bảo. Hai người giúp nhau học tập, ở chung cực kỳ hòa hợp. Dưới sự tham khảo luận bàn hai người đều trở thành nhân vật chủ chốt trong việc phục hưng lý học.

“Sao ta chưa bao giờ nghe cha mình nói chuyện ông ấy từng có quan hệ tốt với Đàm đại nhân nhỉ? Nếu quan hệ tốt như thế vậy vì sao hiện tại bọn họ chẳng có liên hệ gì?” Lúc ấy Triệu Tử Mại cực kỳ khó hiểu mà hỏi Chu Bồi một câu.

“Nguyên nhân cụ thể thì tiểu nhân cũng không rõ lắm, chỉ biết lúc tiên đế còn tại vị thì lão gia và Đàm đại nhân cùng dâng lên《 ứng chiếu trần ngôn sơ 》trong đó đưa ra suy nghĩ và giải thích của mình về việc trị quốc. Đàm đại nhân từ trước đến nay đều am hiểu biện luận nên đã biện giải về ‘quân tử và tiểu nhân’. Ông ta nói có sách, mách có chứng, được đồng nghiệp khen ngợi. Nhưng tiên đế gia lại nói ông ta ‘danh tuy tốt nhưng khó mà làm’. Lão gia chỉ giải thích cách dùng người như thế nào và được tiên đế gia đánh giá là ‘Nói rõ ràng, trúng vào trọng tâm’. Thiếu gia, những lời này tiểu nhân cũng không hiểu lắm, nhưng nghe lên thì có vẻ ấn tượng của tiên đế gia đối với hai người hoàn toàn khác nhau, ngài nói có đúng không?”

Đương nhiên là khác, “Danh tuy tốt nhưng khó làm”, thì nói ngắn gọn chính là “Không biết nói”. Đây chính là ý chỉ cách giải thích của Đàm Chấn Anh chẳng có tác dụng gì với việc cấp bách trước mắt, lúc vương triều tràn ngập nguy cơ lại dùng vài câu nho học với luận điệu cũ rích thì chẳng giải quyết được cái gì. Còn “nói rõ ràng, trúng vào trọng tâm” thì hoàn toàn ngược lại. Người sáng suốt có thể nhìn ra lúc ấy tiên đế gia đã có chủ ý. Tiên đế cho rằng Triệu Văn An mới là người đáng được nể trọng.

Cho nên sau đó mới có chuyện Đàm Chấn Anh bị “điều đi”. Lão làm quan kinh thành mười năm bị tiên đế ban cho chức Phó Đô Thống và cử tới Địch Hóa cách kinh thành cả vạn dặm, nói là điều đi nhưng thực tế là bị biếm.

Cái này đối với một Đàm Chấn Anh khí phách mười phần thì không thể nghi ngờ chính là một gậy nặng nề.

Vì thế về sau dù được tân đế triệu về kinh lão vẫn thận trọng từ lời nói với việc làm, không dễ dàng bàn luận chính trị, thậm chí chủ động từ chức Hộ Bộ thị lang để làm Thuận Thiên Phủ Doãn lo tình hình trị an của kinh đô và vùng lân cận.

Nhưng không có ai biết Đàm Chấn Anh chưa từng từ bỏ. Không phải lão ghi hận chuyện tiên đế không trọng dụng mình mà là lão chưa từng từ bỏ lý tưởng trong lòng. Đặc biệt khi Triệu Văn An đưa ra việc cải cách gần gũi với tây học và được đương kim thánh thượng cùng đại thần trong triều ủng hộ thì viên hạt giống bị đè nén chặt trong lòng lão lại nảy lên. Nó xông ra từ một khe nứt nào đó, càng ngày càng cao lớn, cuối cùng biến thành một bóng đại thụ che trên đỉnh đầu lão, vĩnh viễn che khuất ánh mặt trời.

Lòng Triệu Tử Mại run lên và nghĩ tới lời lão nông kia nói: Tiểu Lục tuy quái dị nhưng cũng không thể nói hoàn toàn xấu, chỉ là hắn rất bướng bỉnh. Phàm là chuyện hắn đã quyết thì tuyệt đối không quay đầu lại, mặc kệ thời gian trôi qua bao lâu. Ta nhớ rõ năm ấy cha hắn chết, người trong thôn đều ngại nhà bọn họ kỳ quái nên không muốn cha hắn chôn ở nghĩa trang trong thôn. Huống hồ mẹ hắn cũng chôn ở cánh đồng kia nên người trong thôn nói không bằng cũng chôn cha hắn ở cánh đồng kia cho rồi. Cha mẹ được chôn ở một chỗ, cũng hợp quy củ. Năm ấy Tiểu Lục chỉ là một đứa nhỏ chưa tới 10 tuổi, trong nhà hắn lại chẳng có ai khác vì thế hắn chẳng thể chống lại người trong thôn và đành đồng ý. Nhưng ngày quan tài của cha hắn được chôn xuống ta nhớ rõ hắn nhìn mảnh ruộng xanh mướt kia và hỏi một câu.



Hắn nói: Các ngươi thật sự cảm thấy chôn trong ruộng lúa này là một chuyện may mắn ư?

Tộc trưởng vội vàng đáp: Đương nhiên, nước có thể tụ khí, chôn ở đây thì trong nhà sẽ có quan lớn.

Tiểu Lục khi ấy chỉ cười không nói một lời. Sau đó hắn đi nơi khác, đến tột cùng là đi đâu thì hắn không nói mà chúng ta cũng chẳng hỏi. (Hãy đọc thử truyện Thượng Công chúa của trang Rừng Hổ Phách) Ta cho rằng ngày hắn đi chính là lần cuối cùng chúng ta gặp mặt trong cuộc đời này. Nhưng ta không ngờ qua mấy năm hắn lại về, vẫn chỉ côi cút một mình, nhưng vóc dáng đã cao hơn nhiều, đôi mắt cũng tràn đầy ánh sáng, khác hẳn thiếu niên đơn độc trước kia.

Hắn về quê tế tổ, ngày đó là ngày mất của cha hắn.

Đêm đó Tiểu Lục trở về, trong thôn có gió bắc thổi. Tiếng gió cực lớn, gần như muốn xốc nóc nhà. Cả đêm ta không ngủ ngon, không phải vì tiếng gió mà vì một tiếng động khác. Ta nghe thấy có người đang đào đất.

Đất đai mùa đông lạnh cứng như đá vì thế tiếng động kia át cả tiếng gió truyền tới trong tai ta. Nhưng khi ta nói việc này cho cha mẹ mình thì chẳng ai chịu thức dậy, còn chê ta nhiều chuyện quấy nhiễu giấc ngủ của họ.

Bọn họ sau đó đã phải hối hận.

Hôm sau trời còn chưa sáng ta đã bị một tiếng kinh hô đánh thức. Lúc mơ màng ra ngoài ta thấy được cảnh tượng đời này mình sẽ không bao giờ quên.

Toàn bộ mộ trong thôn đều bị đào lên, một cây xẻng gãy vứt bên cạnh đống đất và hơi nghiêng đi, bóng nó bị ánh mặt trời kéo ra thật dài. Còn đám quan tài chôn bên trong mộ, cả những cái đã mục nát đều biến mất không còn bóng dáng.

Quan gia, lão nông cười đầy thâm ý và nói. Hẳn ngài đã đoán được quan tài đi đâu rồi đúng không? Không sai, chúng đều bị ném xuống ruộng lúa của nhà họ Đàm, thi cốt bên trong đã biến mất giống như người khởi xướng toàn bộ sự việc.

Người trong thôn đều biết là ai làm nhưng chẳng ai nói ra.

Các ngươi nói nơi này phong thuỷ tốt vậy ta quật hết thi cốt tổ tông của các ngươi lên ném tới đây. Ta biết lúc Tiểu Lục làm chuyện này thì trong lòng nhất định nghĩ như thế.