Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 94: Đi tìm quê cho vong



- Mày có biết xã Hoài Thượng ở đâu không?

Tôi hỏi thằng Tuệ học cùng lớp, một thằng bé con con y chang tôi và chắc cũng thấp như tôi, tính tình hiền lành và dễ thương.

- Xã đấy tao biết, có bà cô họ lấy chồng ở đấy nhưng tao chưa đến bao giờ, mày không biết à?
- Không, tao mới biết xã Mão Điền, thị trấn Hồ thôi, xã mình tao còn chưa đi hết mà.
- Tưởng mày hay đi lắm?
- Ừ, mà phải có gì hay tao mới đến chứ không có tao lười đi.
- Xã đấy ngay cạnh xã Mão Điền đấy, làng đấy tao nghe nói là hay trồng dâu nuôi tằm, nó ngay sông Đuống mình luôn.
- Ô, thật á? Tao có một lần lên đê rồi, đi qua xã Mão Điền luôn.
- Đúng rồi, bố tao bảo là xã Hoài Thượng là ở bên sông, cách Mão Điền cái con đê đấy.
- Tuyệt vời, thế mà tao cứ tưởng ở xa, hỏi hai ba thằng bọn nó chả biết.
- Mấy ai lên đấy đâu, thường thì khi học cấp III mới biết nhiều vì học trên huyện mà, tất cả các xã đều đi học ở đấy!
- Làng tao có mấy anh học cấp III mà tao chả dám hỏi, các anh ấy khó như ma ấy!
- Mày có biết không, tao còn nghe nói ông Giám đốc sở giáo dục tỉnh mình bây giờ hình như là người xã đấy, ông Lê Nho Nùng đó!
- Tao không biết, tỉnh mình mới tách mà, với lại tao không thích mấy ông giám đốc ấy, mày xem thầy Hiệu trưởng trường mình đấy, khó tính, nên làm Giám đốc của nhiều Hiệu trưởng như thế thì... siêu khó tính.
- Mày toàn tưởng tượng linh tinh, phấn đấu khó khăn lắm mới được lên làm quan đấy mày ạ!
- Tao không thích làm quan! – Tôi cười tít mắt - Tao thích tự do chứ không muốn bị đè đầu, hehehe.

Tôi nhớ lại đường đi lên đê, tôi nhớ là không xa lắm, từ làng tôi đạp xe qua xã Mão Điền thì chừng ba mươi phút, tôi cảm thấy hơi băn khoăn vì hôm nay là 23 Tết, nhưng sau cùng học xong tôi vẫn đạp xe về nhà đi thả cá chép xuống ao rồi ăn cơm với bà. Tôi tính ăn cơm xong tôi sẽ lên Hoài Thượng thử tìm con cái của cái ông lái lợn ấy, mấy cái việc giúp người âm này không làm xong sớm cứ thấy lòng bồn chồn chả yên tí nào, cảm giác rất khó chịu.
- Bà ơi, xưa làng mình có ai làm nghề lái lợn không bà?

- Làng này làm gì có ai làm nghề lái lợn.
- Thế lợn nuôi xong người ta đến mua đúng không bà? Hay là phải mang đi bán?
- Có mối hết đấy, toàn người nơi khác đến mua cả, họ nắm rõ hết lịch của các nhà, hồi tao còn nuôi lợn lúc bố mày còn nhỏ cũng bán cho lái buôn đấy chứ.

Tôi không hỏi thêm việc này nữa, sau khi ăn cơm xong là tôi đạp xe đi lên hướng xã Mão Điền theo lối cánh đồng sau chùa, nơi mà tháng trước tôi chơi một cú lớn với đám ăn trộm tượng Phật, đi qua tôi chợt cười vì nhớ lại tình cảnh bị oan của đám người ấy. Do tôi đã từng một lần đi lên đê sông Đuống rồi nên lần này tôi đi nhanh hơn hoặc có thể tôi cảm thấy nhanh vì đã quen đường.

Lần thứ hai tôi đứng trên đê phóng tầm mắt nhìn ra xa, trước mặt tôi là con sông Đuống hiền hòa và những bãi dâu ở ven sông. Tôi đã hỏi thăm mấy người lớn trên đường đi và họ chỉ cho tôi rằng cứ đi lên đê thì toàn bộ phía trước mặt sẽ là xã Hoài Thượng, tính ra là gần như cả xã này nằm trọn trên bãi phù sa ven sông, quả nhiên là phù hợp với việc trông dâu nuôi tằm. Trời mới đầu giờ chiều nhưng không có nắng, thời tiết thì hơi lạnh vì đã gần Tết, đường đê ở trên cao nên gió cũng thổi mạnh hơn, tôi quan sát một hồi thì quyết định đi xuống triền đê chếch theo hướng bên tay trái của tôi, phía xa kia tôi nhìn thấy nhiều lũy tre kéo dài, đấy hẳn là nơi đông nhất của xã vì kinh nghiệm của tôi thấy rằng, ít người ở thì tre sẽ thưa và tre càng dày thì càng đông người, điều này có vẻ đúng.

Tôi đạp xe đi giữa con đường đổ bê tông rộng khoảng 3m và hai bên là những ruộng dâu, hay thật, chỉ cách có một con đê bên kia người ta trồng lúa, tôi tưởng tượng rằng mình mà bay được thì con đê sẽ giống như một đường kẻ chia đôi hai màu vàng – xanh khi vào vụ lúa mỗi năm, chắc chắn sẽ rất tuyệt. Tôi hỏi thăm mấy người ở ven đường đi xem có ai biết ông Lái Cả hay không, hỏi được vài người thì ai cũng lắc đầu, sau rồi tôi phát hiện ra sự dốt nát của mình. Cả một cái xã như này đi hỏi tên như vậy thì chắc phải tính hàng tháng mới xong, tại con chó đêm qua sủa nên tôi cũng chẳng kịp hỏi xem ông ấy chết từ khi nào, bây giờ mọi thứ thay đổi có khi con cái ông ấy chẳng còn ở làng giống như làng tôi thì có mà công toi.

- Lái Cả, Cò Hương, Lê Doãn, - Tôi lẩm bẩm một mình những thông tin tôi có – Cò chắc không phải là tên rồi, bà hay gọi mình là Cò Tý vậy có thể tên con ông ấy là Lê Doãn Hương? Sao đàn ông lại tên là Hương nhỉ? Hương là tên con gái mà?

Tôi đạp xe thêm một đoạn và gặp một người phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi tay đang cắp nách một cái thúng để nhiều thứ đồ đạc trong đó.

- Bác ơi, bác cho cháu hỏi thăm là chợ của xã mình ở đâu ạ?
- Chợ xã hử? Giờ này không có họp đâu.
- Không ạ, cháu tìm đến đấy để hỏi thăm tìm người quen ạ...

Bác ấy chỉ cho tôi hướng đi đến chợ, cũng không xa lắm, chỉ khoảng 1km là tới.

- Cháu tìm ai? Xã này cũng rộng lắm đấy.
- Cháu tìm ông... Lê Doãn...Hương, vâng, Lê Doãn Hương ạ!
- Hương à? Thế thì cô không biết nhưng mà xã này thì cũng thấy nhiều người họ Lê Doãn lắm đấy!
- Ô, thế ạ! Bác, bác có quen ai mang họ đó không bác?
- Cô có quen một nhà, nhưng cháu cứ đến thôn Đại Mão ấy, thôn đấy nhiều người sẽ dễ tìm chứ bây giờ mà nói cho cháu thì khó lắm!
- Vâng, cháu cảm ơn bác ạ!

Tôi đạp xe hướng tới cái chợ xã, tôi nghĩ rằng cứ phải đến nơi trung tâm đông người thì hỏi sẽ dễ hơn, ở quê thì không cần hỏi số nhà như ở Hà Nội, cứ có tên đầy đủ mà đúng thì mau tìm thấy lắm, tôi tự động viên mình như vậy. Tôi dừng xe hỏi thêm gần mười người thì có người chỉ tôi đến quán nước nhỏ của một bà cụ, người ta nói bà ấy là lấy chồng họ Lê Doãn, qua hỏi thăm tôi đã mường tượng được rằng ở xã nay có vẻ dòng họ Lê Doãn cũng đông người chứ không ít chút nào.

- Bà ạ, bà cho cháu hỏi thăm một chút được không bà? – Tôi rót chai Coca không cần đá vào cái cốc rồi đánh tiếng hỏi bà cụ chủ quán - Ở xã này bà có quen biết ai thuộc dòng họ Lê Doãn không ạ?
- Cháu hỏi họ Lê Doãn hả? Bà làm dâu dòng họ đấy đây này, mấy chục năm rồi...
- Vâng, thế thì may quá bà ạ, cháu nghe nói họ nhà mình lớn lắm đúng không ạ?
- Cũng không phải là lớn nhất đâu nhưng cha ông tổ tiên cũng có người đỗ đạt nên người ta biết vậy thôi. Thế cháu hỏi có việc gì?
- Chả là cháu có việc, rất muốn tìm ông hay bác tên là Lê Doãn Hương hay Lê Doãn Cò Hương gì đó ạ?
- Tên gì cháu nhỉ? – Bà cụ hỏi lại tôi.
- Vâng, họ là Lê Doãn còn tên thì cháu không chắc lắm, gọi là cò Hương hay là Hương ạ.

Tôi vừa mới dứt lời thì sắc mặt bà cụ có biến đổi, tôi nhận thấy rất rõ, nét mặt nửa ngạc nhiên, nửa tò mò, nửa khó hiểu.

- Sao cháu biết cái tên ấy? Hình như cháu không phải người xã này?
- Vâng, chả giấu gì bà, cháu ở tận dưới làng Bưởi Cuốc cơ ạ!
- À, ta có biết làng đấy, xưa chuyên làm cuốc với cày bán đúng không?
- Vâng, nhưng bây giờ thì làng cháu chuyển sang làm đậu phụ rồi bà ạ, do chẳng ai mua cuốc nữa... - Tôi vừa nói vừa cười - Sắp tới có khi người ta dùng máy cày hết cả rồi!
- Thế cháu tìm ông cò Hương làm gì? Sao cháu lại biết cái tên này?
- Cháu cũng khó giải thích vì nó hơi dài, nếu bà giúp được cháu thì tốt ạ vì thật sự là, chả dám giấu gì bà, cháu cũng phải khó khăn lắm mới tìm được đến đây, cũng phải tìm gần cả một tháng rồi đấy ạ!
- Chúng mày tìm khó là đúng rồi, tên người già thì mày đi hỏi sao mà người trẻ người biết, phải hỏi những người già như ta đây này!
- Thế bà có biết không ạ?
- Biết chứ sao không, ông lão nhà ta chính là Lê Doãn Hương đây, chả hiểu các cụ thời xưa sao lại đặt tên giống con gái nên sau phải đổi thành Hướng đấy!

Tôi nghe thấy bà cụ nói xong mà mắt tôi tròn xoe, quả là ngẫu nhiên quá đi thôi, tôi ngồi ngây ra như phỗng trên cái ghế gỗ dài, một cơn gió mạnh thổi qua khiến xe đạp của tôi đang dựng ở cột gỗ cạnh quán đổ oạch xuống đường đất.
---
***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí