Tam Luân

Chương 65: Phía bắc là tử lộ



Cai nô và lính gác mỏ chết hết, nô lệ khu Hạ hò reo, lao tới vây quanh Đằng Nguyên, mỗi người một câu hỏi loạn cả lên. Đằng Nguyên không biết phải trả lời ai trước, chỉ toét miệng cười. Đám Điền Đông, Lưu Ngọc Lâm, Lưu Tống… mừng đến nỗi mắt đỏ hoe, miệng ngoác đến tận mang tai, vừa sung sướng vừa hãnh diện. Điền Vỹ Thái gào lên:

- Đằng Nguyên, có phải chính huynh đầu độc lính cai nô?

- Phải. – Đằng Nguyên gật đầu chắc nịch.

Một trận reo hò trầm trồ nữa lại nổ ra. Đằng Nguyên nhìn những khuôn mặt hốc hác, gầy gò nhưng biểu tình hoan hỉ, mắt sáng như sao, tâm tình hắn nhẹ nhõm. Hắn để mọi người hò reo một hồi cho đã mới đưa tay lên ra hiệu im lặng, từ tốn nói:

- Có rất nhiều việc cần làm trước khi chạy khỏi mỏ Dạ Cổ. Các huynh đệ, khu rừng bên ngoài không khác gì tử lộ, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện tại cấp bách nhất là mở xiềng, sau đó lùng tìm hết cai nô và lính gác còn trốn xung quanh, giết sạch bọn chúng đi…

Các nô lệ gật đầu lia lịa, nghe hắn nói một hồi, ai cũng cho là phải. Đằng Nguyên vạch ra hết những việc cần làm rồi không quản nữa, để nô lệ tự phân công nhau. Một nhóm nhanh chóng dùng dụng cụ mà đám Trình Hạ mang xuống, mở xiềng cho nô lệ. Nhóm khác chạy lên kho dụng cụ lấy thêm đục và búa. Tiếng leng keng phát ra đều đều ở bờ suối.

Nô lệ có sức chiến đấu được mở xiềng trước, nhặt vũ khí của cai nô là lính gác mỏ lên, lập thành từng nhóm, chạy vào rừng lùng sục đám lính còn ẩn nấp. Đằng Nguyên không thấy Viên Lịch đâu, lòng nóng như lửa đốt. Hắn sợ Viên Lịch dẫn người chạy khỏi mỏ Dạ Cổ, đi gọi cứu viện. Tuy nhiên hắn chỉ ôm lo lắng trong lòng, không nói với bất luận kẻ nào.

Một nhóm nô lệ khác thông thạo nấu nướng vào trù phòng nổi lửa nấu cơm. Họ phá khoá kho, lấy bột và thịt ở kho lạnh ra nấu một bữa thịnh soạn cho nô lệ ăn lấy sức.

Trình Hạ dẫn các nô lệ cao lớn khỏe mạnh chạy sang khu Trung xem có cần giúp đỡ gì không, truyền đạt lại những điều Đằng Nguyên nói. Bất quá nô lệ khu Trung sau khi giết hết cai nô và lính gác mỏ đã chạy quá nửa tới khu Thượng đánh giết tiếp rồi cứ thế lao ra khỏi mỏ, trốn vào rừng. Chỉ còn non nửa nô lệ khu Trung chưa chạy, họ cảm thấy lời Đằng Nguyên nói rất đúng, vội vã làm theo chỉ dẫn.

Khi Trình Hạ quay trở lại báo tin cho Đằng Nguyên, hắn cũng lường trước được, không phản ứng quá nhiều. Mạng của ai thuộc về người đó, họ tự định đoạt, hắn đã không giúp được người của khu Thượng, vậy người bên khu Trung sống chết ra sao cũng chẳng tới phiên hắn quản.

Khi tất cả nô lệ được tháo xích, các nhóm đi lùng sục trở về báo đã giết được thêm một mớ cai nô nữa. Nô lệ khu Hạ ăn uống tưng bừng một bữa, nô nức chuẩn bị lương thực để sẵn sàng lên đường rời khỏi mỏ Dạ Cổ.

Đằng Nguyên ra khỏi mỏ một chuyến, khi quay lại, hắn mang theo một bao đựng thảo dược lớn gồm hai loại thảo dược giải độc. Hắn phát cho những nô lệ có uy tín ở khu Trung, dạy họ cách nhận biết và giải độc để họ dạy những người khác, sau đó trở về khu Hạ hướng dẫn người của khu mình. Thảo dược mà bọn lính trù phòng dùng nấu canh giải độc cho nô lệ chỉ có thể cầm cự, không chữa được tận gốc, Đằng Nguyên phân tích rõ cho các nô lệ biết để họ chia nhau chỗ còn lại trong kho, mang một ít theo đề phòng bất trắc. Hai loại thảo dược Đằng Nguyên hái về mới thực sự chữa tận gốc độc tố đó.

Xiềng xích đã tháo; y phục trong kho được lôi ra cho các nô lệ thay mới, giày lột của đám cai nô và lính gác mỏ đã chết cho nô lệ đi; vũ khí nhặt của bọn lính, lấy rìu đốn củi, búa đục đá, dao làm bếp; lương thực là bánh nướng, thịt muối và thịt khô lấy trong hầm băng… Mọi thứ đã sẵn sàng. Nô lệ nấu bữa tối thịnh soạn để ăn, ngủ một giấc lấy sức.

Mờ sáng ngày hôm sau, Đằng Nguyên dẫn đầu một đám nô lệ khu Hạ nai nịt gọn ghẽ, vũ trang đầy đủ ra khỏi mỏ Dạ Cổ, theo đường lớn chạy thẳng về phía bắc. Các nô lệ theo hắn là những kẻ to gan lớn mật của khu Hạ, bao gồm thợ săn, hán tử ở các vùng biên giới quen với binh đao giết chóc, những hán tử không thể trở về quê hương với mối thù canh cánh trong lòng… và nhiều thành phần khác.

Trước khi đi Đằng Nguyên đã nói với toàn bộ nô lệ khu Hạ rằng nếu muốn chạy về Hồi thành và Tập thành, nô lệ phải theo hướng tây, băng qua rừng rậm trùng trùng hiểm nguy, một đường hướng về phía mặt trời lặn mới có cơ hội về đất Sa Lục Châu. Còn con đường lớn phía bắc dùng để chuyển đá từ mỏ Dạ Cổ ra là tử lộ dẫn thẳng tới trung tâm thành Huỳnh Tương, sẽ đụng phải các thôn, trấn, trạm gác của Vạn Tư quốc. Đi đường này phải xác định bỏ mạng bất cứ lúc nào. Hắn để cho các nô lệ tự mình lựa chọn. — QUẢNG CÁO —

Đương nhiên rất ít người chọn theo Đằng Nguyên, thậm chí các huynh đệ cùng nhà gỗ, cùng ở Tụ Sơn thôn cũng chia làm đôi. Họ muốn đi về phía tây, rút ngắn quãng đường, chạy thẳng về Sa Lục Châu; không ai muốn tới trung tâm thành Huỳnh Tương tìm chết. Cuối cùng, theo Đằng Nguyên chỉ có Điền Đông, Lưu Tống, Lưu Ngọc Lâm, và Điền Vỹ Thái. Những người còn lại nhập vào nhóm hán tử Tụ Sơn thôn, Hồi thành, chọn đường rừng phía tây để trở về quê hương. Ngoài bốn huynh đệ Điền Đông, những nô lệ khác theo Đằng Nguyên có đám Trình Hạ, Lộc Tử, Thông Lực… Tất cả là hai mươi lăm người.

Khi Đằng Nguyên dẫn số ít người ra khỏi mỏ, nô lệ khu Trung rất sửng sốt, có một số người vội vã ôm lương thực chạy theo. Đằng Nguyên phải dừng lại thông báo cho bọn họ biết lối đi này rất nguy hiểm, phục vụ mục đích báo thù, lao đầu vào chỗ chết chứ không phải cầu sinh. Rất có thể họ sẽ đụng độ lính chuyển đá của thành Huỳnh Tương đến lấy đá mang về. Nhiều kẻ nhụt chí, không dám theo nhưng vẫn có vài người kiên quyết theo đến cùng. Đằng Nguyên không cản nữa, ai theo thì theo. Đội của hắn cuối cùng có ba mươi ba người.

Bởi vì hắn đã dặn trước nô lệ chỉ mang theo khoảng bốn ngày lương thực, hành trang nhẹ nhất có thể để chạy bộ đường rừng nên nhóm của hắn rảo bước ra khỏi mỏ Dạ Cổ lập tức cắm đầu chạy theo đường mòn vận chuyển đá, hướng về phía bắc.



Bỏ lại mỏ Dạ Cổ phía sau, Điền Đông và các huynh đệ hoan hỉ không thôi, ngoái nhìn mấy lần.

Các nhóm khác thấy Đằng Nguyên đã khởi hành cũng vội rời đi, ra khỏi đại môn thì chạy vào rừng, hướng phía tây mà đi. Từng nhóm, từng nhóm tập hợp theo làng, theo thành hoặc theo khu nhà gỗ; có lãnh đạo riêng, có chung đích đến hoặc đơn thuần tập hợp lại vì mấy tháng lao động khổ sai đã đỡ đần lẫn nhau… lũ lượt rời khỏi mỏ Dạ Cổ.

Hai khắc sau nô lệ đã bỏ đi hết, mỏ Dạ Cổ chìm vào im lặng, chỉ còn lại xác chết nằm la liệt và khung cảnh xơ xác, tiêu điều.



Nhóm của Đằng Nguyên chạy như ma đuổi trên đường mòn, Trình Hạ lẩm bẩm hỏi Đằng Nguyên:

- Đường này sống nổi không?

Xem ra y vẫn còn hồ nghi quyết định của Đằng Nguyên.

Hắn đánh mắt sang nhìn kỹ tên hán tử Diệu Lương thôn khôn ngoan này, lắc đầu:

- Ta không nói chơi đâu. Đây là tử lộ, xông thẳng vào giữa địa phận Huỳnh Tương để báo thù.

Trình Hạ gật gù:

- Vậy huynh làm thế nào để báo thù với cái ấn ký nô lệ lồ lộ trên trán? — QUẢNG CÁO —

- Đến đâu hay đến đó. – Đằng Nguyên nhếch mép cười, phóng tầm mắt về phía trước. – Dù có phải chết trên đường tới Huỳnh Tương ta cũng chọn con đường này. Gia quyến bỏ mạng cả rồi, Tụ Sơn thôn chỉ còn là nghĩa địa phơi xương trắng, trở về ích gì đâu? Nếu trở về có thể khiến thê tử, hài tử sống lại, ta lập tức chọn hướng tây.

Trình Hạ nhíu mày, nghiến răng không nói.

Hồi lâu, Đằng Nguyên tưởng y đã hết thắc mắc thì đột nhiên y vọt ra một câu:

- Hướng thẳng tới thành Huỳnh Tương tức là chắc chắn còn sống ra khỏi khu rừng chết tiệt này?

- Đương nhiên. – Đằng Nguyên vọt miệng trả lời.

Nói xong hắn mới liếc sang. Biểu tình của Trình Hạ vững tin hơn rất nhiều, y gật gù, chạy thụt lại phía sau truyền đạt cho các huynh đệ cùng thôn, cùng thành với mình.

Đằng Nguyên hơi hơi nổi da gà khi nhận ra dụng ý của Trình Hạ.

Y và một số nô lệ người Tập thành chạy theo Đằng Nguyên không phải vì báo thù rửa hận mà chỉ vì muốn an toàn ra khỏi rừng. Đi cùng Đằng Nguyên, cơ hội sống sót sẽ cao hơn, ít ra bọn họ nghĩ như vậy vì hắn đã một mình sinh tồn bên ngoài mỏ Dạ Cổ suốt mấy tháng trời mà không hề hấn gì. Thay vì lập một nhóm lớn chạy về phía tây, băng ngang qua rừng thiêng nước độc không biết tiềm ẩn những nguy hiểm gì, đi với Đằng Nguyên qua đường mòn mà tháng nào lính chuyển đá cũng đi đâm ra an toàn hơn. Khi đã ra khỏi rừng, giữ được mạng bọn họ mới nghĩ đến chuyện tìm đường về cố hương.



Hoặc có thể Đằng Nguyên nghĩ nhiều rồi.

Hắn không rõ. Lòng dạ con người thâm sâu khó dò, điều quan trọng hiện giờ là phải chạy thật nhanh về phía trước, tránh đụng độ với đội lính chuyển đá của thành Huỳnh Tương.

Họ chạy từ mờ sáng đến gần trưa, nghỉ hai lượt. Khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, nhiều huynh đệ đã mệt không thở nổi, toàn đội phải dừng lại nghỉ ăn trưa.

Một hán tử Tập thành vừa thở hổn hển vừa thắc mắc:

- Đằng Nguyên huynh, có nhất thiết phải chạy nhanh thế này không? Ta mệt… sắp chết rồi…

- Đúng đấy. Đi chậm chút cũng được mà. Dù sao đã thoát khỏi mỏ rồi. — QUẢNG CÁO —

- Hoặc là chạy một đoạn đi bộ một đoạn cũng được.

Nhiều nô lệ lớn tiếng ủng hộ.

Đằng Nguyên nhìn một lượt các nô lệ, cảm thấy tốc độ này vẫn còn rất chậm. Lưu Tống lên tiếng phân tích thay:

- Hàng tháng, đội lính chuyển đá tới mỏ Dạ Cổ vào ngày thứ mười; trước kia chúng ta đi bộ tới mỏ Dạ Cổ mất mười ngày, nếu cứ thong thả, chúng ta sẽ đụng phải lính chuyển đá khi mới đi được nửa đường. Hiện tại chỉ còn ba ngày nữa là hết tháng ba, buộc phải chạy nhanh, rút càng ngắn thời gian càng tốt. Nếu chúng ta chỉ mất năm ngày để chạy ra khỏi đường mòn này thì có thể sẽ không đụng phải lính chuyển đá, hoặc nếu gặp cũng sắp ra khỏi rừng rồi.

Nhiều nô lệ gật gù cho là phải nhưng vẫn có kẻ thắc mắc:

- Ít khả năng không đụng phải bọn chúng lắm. Dù chúng ta dùng năm ngày chạy khỏi rừng thì cũng sang đầu tháng tư, bọn chúng đã rồng rắn kéo nhau tới đầu đường mòn rồi… Chúng ta cho người do thám trước, gặp chúng thì tránh vào rừng, đi đường vòng là được.

Điền Đông cười ha ha mấy tiếng, lắc đầu.

Lưu Ngọc Lâm giải thích:

- Huynh đệ nói nghe dễ dàng quá. Tránh vào rừng, đi đường vòng chỉ là giải pháp tạm thời. Một đội đông người kéo nhau đi qua, không chỉ để lại dấu chân mà còn rất nhiều thứ khác khiến bọn lính kia phát giác. Tránh chúng ở đầu đường mòn còn có thể thoát vì chúng sẽ nghĩ chúng ta là một nhóm dân địa phương đi thu lâm sản; nhưng nếu đụng ở giữa đường, chúng nhận ra dị trạng quay ngựa đuổi theo thì làm sao đây? Kỵ binh, lính áp tải đá đâu có giống mấy tên cai nô và lính canh mỏ yếu gà?

- Còn chưa kể thời gian càng lâu càng nguy hiểm. – Điền Đông tiếp lời. – Ai biết được lính chuyển đá có phải là toán duy nhất qua lại đường mòn này hay không?

Đám nô lệ im lặng nhìn nhau, kẻ gật gù, người nén tiếng thở dài. Họ phải chấp nhận hiện thực rằng nguy hiểm trùng trùng còn đang ở phía trước. Thoát khỏi mỏ Dạ Cổ vẫn chưa thể thả lỏng. Họ đang đào tẩu, không phải đi bộ vãn cảnh.

Đằng Nguyên đã dặn nô lệ chỉ được mang theo bốn ngày lương thực là vì vậy. Hắn muốn đội nô lệ của mình sẽ ăn nhanh gọn, chạy cật lực, buộc phải ra khỏi đường mòn vào ngày thứ năm. Ai không theo được cũng phải theo, rớt lại chỉ có chết. Huống hồ ba mươi ba nô lệ ở đây đều thuộc dạng khoẻ mạnh hơn người, chắc không đến nỗi rơi lại người nào.